Một số lĩnh vực giảm tốc độ tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2022 của WB, cả hai động lực tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5,3% trong tháng 11 so với cùng kỳ, trong khi đó, chỉ số này trong tháng 10 tăng 6,3%, đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 02/2022.
Tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 9/2022, chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo chế biến lần đầu tiên bị trượt về vùng suy giảm (dưới 50 điểm) kể từ tháng 10/2021, giảm từ 50,6 trong tháng 10/2022 xuống còn 47,4 trong tháng 11. Điều này cho thấy điều kiện sản xuất kinh doanh trong tháng 11 đã xấu đi so với các tháng trước đó.
Doanh số bán lẻ vẫn ở mức cao nhưng tốc độ tăng đang giảm dần, từ 20,7% trong tháng 10 (so với cùng kỳ) xuống 17,5% trong tháng 11 (so với cùng kỳ), tốc độ tăng giảm liên tục trong ba tháng qua.
Bên cạnh đó, tốc độ phục hồi tiêu dùng trong ba quý đầu năm có vẻ cũng đang giảm xuống. Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 10,7% so với khoảng 12% thời kỳ trước đại dịch (so cùng kỳ).
Xuất khẩu hàng hóa lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021 giảm 8,4% (so cùng kỳ) do sức cầu bên ngoài yếu đi và tác động xuất phát điểm thấp tính từ đợt phục hồi quý IV/2021.
Sau khi tăng mạnh vào tháng 10, tổng số đăng ký vốn FDI giảm còn 2,7 tỷ USD trong tháng 11, giảm 27,9% (so tháng trước) và 1,9% (so cùng kỳ năm trước).
Trong 11 tháng năm 2022, tổng số đăng ký vốn FDI đạt 25,1 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Số giải ngân vốn FDI vẫn mạnh, tăng 14,4% trong tháng 11 (so cùng kỳ) và 15,1% trong 11 tháng năm 2022 (so cùng kỳ).
Lạm phát tiếp tục tăng, tín dụng giảm
Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhích nhẹ từ 4,3% trong tháng 10 lên 4,4% trong tháng 11. Giá lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng là yếu tố đóng góp chính cho lạm phát.
Lạm phát cơ bản, nghĩa là không gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý (y tế và giáo dục), tiếp tục tăng từ 4,5% trong tháng 10 lên 4,8% trong tháng 11, đạt kỷ lục mới.
Tăng trưởng tín dụng giảm từ 16,5% trong tháng 10 (so cùng kỳ) xuống còn 15% trong tháng 11 (so cùng kỳ), đây là mức giảm mạnh nhất trong những tháng qua.
Tăng trưởng tín dụng giảm do tác động của điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng các mức lãi suất chính lên tổng cộng 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm bình quân ở mức cao 5,7% trong tháng 11.
Đồng tiền của Việt Nam tăng giá nhẹ trong tháng 11/2022 mặc dù mức tăng giá của tiền đồng vẫn thuộc dạng thấp nhất so với các đồng tiền lớn và đồng tiền của các quốc gia láng giềng. Việc Ngân hàng Nhà nước nâng các mức lãi suất chính sách chính thêm 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10/2022 cũng góp phần nới nhẹ áp lực đối với đồng nội tệ.
Cân đối ngân sách đạt bội thu lớn
Cân đối ngân sách trong tháng 11 đạt 1,4 tỷ USD, bội thu sau khi giảm nhẹ về mức bội chi trong tháng 9 và bội thu nhẹ ở mức 0,2 tỷ USD trong tháng 10. Tổng thu tăng 5,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi giảm 6,7% (so cùng kỳ) trong tháng 10. Tổng chi cũng tăng cao hơn, tháng 11 tăng 17% so với 11,8% của tháng trước.
Đến cuối tháng 11/2022, tổng thu đã cao hơn 16,1% so với dự toán thu còn tổng chi bằng 76,2% dự toán chi (cao hơn một điểm % so với cùng kỳ năm trước), dẫn đến bội thu 12,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022 (khoảng 3% GDP).
Với mức bội thu lớn và trong điều kiện chi phí vay nợ gia tăng trên thị trường vốn trong nước, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ trong 11 tháng năm 2022 chỉ bằng 45,6% kế hoạch phát hành của năm, so với tỷ lệ thực hiện 82,3% cùng kỳ năm trước.
Do điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài yếu đi, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm ứng phó với những cú sốc bên ngoài. Chính sách này có thể được bổ sung bằng cách sử dụng sáng suốt lãi suất tham chiếu và sử dụng thận trọng can thiệp tỷ giá trực tiếp nhằm bảo vệ được dự trữ ngoại hối.
Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng.
Chiến lược chi tiêu thận trọng hơn và tập trung hơn vào đúng ưu tiên nhằm đảm bảo đầu tư cho vốn con người, hạ tầng xanh và thích ứng khí hậu sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu và tiềm năng của nền kinh tế./.