Phối hợp triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi

(BKTO) – Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, sớm hoàn thiện các chính sách và tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.



                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh:vbsp.org.vn

   

Ngày 16/02, NHCSXH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11).

Theo Nghị quyết 11, NHCSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 -2023) như sau:

Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2022, tổng nguồn vốn cho vay tối đa 7.000 tỷ đồng.

Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2022, tổng nguồn vốn cho vay tối đa 6.800 tỷ đồng.

Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Việc cho vay để trang trải chi phí học tập thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 và các văn bản liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2022, tổng nguồn vốn cho vay tối đa 1.500 tỷ đồng.

Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2022, tổng nguồn vốn cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng.

Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng; trong đó, năm 2022, tổng nguồn vốn cho vay tối đa 700 tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 11, NHCSXH đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện.
                
   

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHCSXH cần phân bổ nguồn vốn hài hòa, hợp lý giữa các địa phương, khu vực, đảm bảo nguồn vốn tín dụng
   ưu đãi đến đúng địa chỉ, công khai, minh bạch. Ảnh:vbsp.org.vn

   

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, từ sớm của NHCSXH trong việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành để bảo đảm nguồn vốn và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Khi đã có vốn, NHCSXH cần phân bổ nguồn vốn hài hòa, hợp lý giữa các địa phương, khu vực, đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng địa chỉ, công khai, minh bạch, không để xảy ra sai sót, vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc giải ngân vốn tín dụng ưu đãi.

Cho biết Nghị quyết 11 giao NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với tổng số tiền 38.400 tỷ đồng (trong đó có khoảng 25.000 tỷ đã có chính sách), Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH phải phối hợp với các Bộ, ngành, bám sát các chỉ đạo của cấp trên, nhanh chóng rà soát, sớm hoàn thiện các chính sách và tổ chức triển khai các chương trình nhanh, hiệu quả./.
THÀNH ĐỨC
         
Theo báo cáo của NHCSXH, triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, NHCSXH đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất.
   Từ khi triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP đến nay, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 1.483 người sử dụng lao động với số tiền 3.753 tỷ đồng để trả lương 964.562 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn cả nước.



Cùng chuyên mục
Phối hợp triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi