Phòng, chống cháy nổ: Để không còn cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”

(BKTO) - Cháy nổ đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và làm hàng trăm người thương vong mỗi năm, song hệ lụy của các vụ cháy nổ sẽ mãi đeo đẳng với người ở lại. Do đó, việc tăng cường thực thi đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để giảm thiểu cháy nổ là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, khi thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

011120240803-z5987682109310_7654a5a35ec965b93a033ca09ed5e311.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn 

Cháy nổ - Nỗi ám ảnh khôn nguôi

Hàng loạt vụ cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng trong thời gian qua, điển hình như vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân khiến gần 60 người tử vong, 37 người bị thương; hay vụ cháy nhà ở kết hợp với kinh doanh làm 14 người tử vong tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) là những vụ việc đau lòng do hỏa hoạn gây ra, qua đó tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả của cháy nổ.

Mới đây, Tòa án tỉnh Bình Dương đã tuyên án các bị cáo liên quan vụ cháy quán karaoke An Phú (phường An Phú, TP. Thuận An) khiến 32 người tử vong hồi tháng 9/2022.

Nhiều bản án đã được đưa ra, với nhiều án tù cho các cá nhân có liên quan đến vụ việc, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, “không có vùng cấm” trong xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong vụ việc.

Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy tình hình cháy nổ vẫn rất phức tạp và có chiều hướng tăng qua các năm. Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản sơ bộ ước tính khoảng 878 tỷ đồng và 236 ha rừng. Ngoài ra còn ghi nhận 16 vụ nổ, làm 11 người chết, bị thương 27 người.

Nếu so với thống kê của năm 2022, số vụ cháy đã tăng 206 vụ (tăng 6,3%); số người chết tăng 27 người (tăng 22,69%); số người bị thương tăng 19 người (tăng 21,11%); thiệt hại về tài sản tăng 244 tỷ đồng (tăng 38,4%).

dsc_0063.jpg
Phòng, chống cháy nổ: Để không còn cảnh "mất bò mới lo làm chuồng". Ảnh: N.Lộc

Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH Nguyễn Minh Khương, tình hình cháy, nổ tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao. 

“Nguyên nhân là do ý thức của một bộ phận người dân trong việc quản lý, sử dụng điện an toàn tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất chưa cao” - ông Khương cho biết.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong 9 tháng năm 2024, toàn quốc xảy ra 3.174 vụ cháy làm 81 người thiệt mạng, 64 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 217,2 tỷ đồng; xảy ra 137 vụ cháy rừng làm thiệt hại 567,67 ha rừng, xảy ra 06 vụ nổ, làm chết 03 người và 13 người bị thương.

Trước tình trạng cháy nổ còn phức tạp mà nguyên nhân phần lớn là do chủ quan, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng như chủ đầu tư, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình trong chuẩn bị các phương tiện, thiết bị PCCC theo quy định và phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác PCCC.

Các đại biểu Quốc hội khi góp ý về dự thảo Luật PCCC&CNCH đều đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC&CNCH.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn tỉnh Khánh Hòa) cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình. 

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCCC&CNCH tại hội trường ngày 01/11, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu điều chỉnh, trong đó quy định rõ trách nhiệm trong công tác PCCC, bao gồm: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Huy động các nguồn lực cho công tác PCCC

Cùng với yêu cầu phải nâng cao ý thức, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân dẫn đến cháy nổ, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường huy động nguồn lực tham gia vào công tác PCCC&CNCH, cũng như có chính sách để thu hút các thành phần tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Nêu quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị bổ sung cơ quan kiểm lâm là lực lượng chuyên ngành vào công tác PCCC rừng. Việc bổ sung này nhằm thống nhất với quy định tại Điều 103 Luật Lâm nghiệp năm 2017: “Kiểm lâm là tổ chức có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về PCCC rừng”.

011120240823-z5987730178784_2fa63e64c8f1eefd247f1d7e61cdf9ab.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị bổ sung cơ quan kiểm lâm là lực lượng chuyên ngành vào công tác PCCC rừng. Ảnh: QH

Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc), liên quan đến Điều 39 dự thảo Luật quy định “Cá nhân có nguyện vọng tham gia hoạt động PCCC&CNCH tình nguyện thì đăng ký với Công an cấp xã nơi cư trú để huy động khi có yêu cầu”. “Vậy trường hợp trực tiếp giải quyết tình huống giải quyết trong tình huống khẩn cấp thì có phải điều kiện không?” - đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị bổ sung đối tượng là tình nguyện tham gia trong tình huống khẩn cấp và giao cho cơ quan quy định chi tiết khoản này.

Thực tế, ngoài lực lượng chức năng, tham gia vào công tác PCCC còn có các lượng lượng khác, được huy động từ xã hội. Hiện cả nước có khoảng 50.000 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC đã và đang phát huy tác dụng trong công tác PCCC. 

Mặt khác, trong kinh doanh, hiện nhiều tổ chức, cơ sở đảm bảo năng lực để cung cấp các dịch vụ, phương tiện PCCC. Do đó, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực PCCC&CNCH (bên cạnh Cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH) tham gia sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề đối với các cá nhân là phù hợp, nhằm tăng cường, nâng cao chất lượng hành nghề dịch vụ PCCC của các cá nhân, doanh nghiệp.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các ý kiến trên là cần phải thực hiện chủ trương của Đảng về việc “đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC”, tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị PCCC, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động PCCC&CNCH” - Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật này, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư nhằm bỏ quy định này tại mục số 11 Phụ lục IV của Luật Đầu tư.

Các đại biểu cũng cho rằng, cùng với việc tăng cường thu hút các thành phần tham gia vào công tác PCCC, thu hút đầu tư cho lĩnh vực này, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động PCCC&CNCH. Trong đó, cần bổ sung nội dung về các ưu đãi về chính sách thuế.

Cụ thể, cần bổ sung hoạt động sản xuất, lắp ráp, dịch vụ đào tạo huấn luyện về PCCC và CNCH vào danh mục đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc có thuế suất GTGT là 0%. Đồng thời, quan tâm hơn nữa về chính sách cho đội ngũ, lực lượng trực tiếp làm công tác PCCC&CNCH../.

Cùng chuyên mục
Phòng, chống cháy nổ: Để không còn cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”