Phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng

(BKTO) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xác định, việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Sáng 30/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

202410300828548196_z5980844260644_594bfafcf8449b8b1b59f92765418e2a.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt

Trình bày Tờ trình Dự án Nghị quyết, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra, nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Nhiều vật chứng, tài sản có giá trị lớn tồn đọng khi bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong thời gian dài chưa được xử lý sớm để lưu thông, gây đóng băng, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Để bảo đảm khơi thông nguồn lực, giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt… Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án “Xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc” đã yêu cầu trong năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này.

202410300828288557_z5980820874881_457a768f45d88e7a76ff28ee366ca4e9(1).jpg
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình Dự án Nghị quyết tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Dự thảo Nghị quyết gồm 5 điều. Trong đó, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Dự thảo Nghị quyết cũng đề ra 4 nhóm nguyên tắc để bảo đảm việc thực hiện các biện pháp xử lý được kịp thời nhưng chặt chẽ, minh bạch, có sự kiểm soát, đúng mục đích, không ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ án, vụ việc; không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản, tránh làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường; phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, cụ thể là: trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Đối với từng biện pháp, đều quy định rõ nội dung, điều kiện áp dụng, thẩm quyền, đối tượng; riêng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn quy định rõ thời hạn áp dụng.

“Dự thảo Nghị quyết quy định biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản nhằm nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định” - ông Nguyễn Huy Tiến nêu rõ.

Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

202410300834472117_z5980854849813_3a68fc213f2af6c6a9ec55f34cfcab41.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Nghị quyết tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Về phạm vi các vụ án, vụ việc được thí điểm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản. Do đó, phạm vi thí điểm giới hạn trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như Dự thảo là phù hợp.

Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng, để làm rõ hơn căn cứ pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất, cần cân nhắc bổ sung thêm các tiêu chí khác như: tính chất tội phạm; phạm vi chương, mục cụ thể của Bộ luật Hình sự. Bởi vì, thực tế các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo thời gian qua đều là các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tập trung ở một số chương của Bộ luật Hình sự 2015.

Về nguyên tắc thực hiện thí điểm, bà Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thống nhất phương án quy định những nguyên tắc cơ bản như: tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nhất là việc vẫn bảo đảm quyền tự định đoạt về tài sản của người bị buộc tội.

Đồng thời, tuân thủ nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự; bảo đảm kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại…

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự được quy định tại Dự thảo Nghị quyết. “Đây là biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay” - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Ngay sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về nội dung này.

Cùng chuyên mục
  • Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
    9 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Trong các ngày 28 và 29/10/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 49. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:
  • Tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án PPP
    10 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội kỳ vọng, việc hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sẽ giúp tăng cường niềm tin và thu hút nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
  • Cao Bằng: Giải quyết dứt điểm những sai phạm sau báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành
    10 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Từ đầu năm 2024, sau khi có thông tin về nhiều Trạm trộn bê tông thương phẩm, bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có dấu hiệu hoạt động trái phép, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm. Trên cơ sở báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng đã ban hành Công văn chỉ đạo về vấn đề này…
  • Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội
    11 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm; một số trường hợp sĩ quan quân đội được xem xét nâng lương, thăng quân hàm trước thời hạn...
  • Phát động cuộc thi "Chuyện nghề Thi hành án dân sự"
    11 ngày trước Pháp luật
    (BKTO) - Thiết thực kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI; kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (THADS), ngày 26/10, Báo Pháp luật Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp phát động cuộc thi “Chuyện nghề Thi hành án dân sự” trên Báo Pháp luật Việt Nam.
Phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng