Phú Yên: Nhiều giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(BKTO) - Trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phú Yên cùng chính quyền địa phương các cấp luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tích cực tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

bhyt-phu-yen.jpg
Nhân viên y tế của Trạm Y tế xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) khám bệnh cho người dân. Ảnh: TS

Hơn 31.200 đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT

Theo BHXH tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2019-2023, công tác thực hiện chính sách BHYT cho đồng bào DTTS và miền núi nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương toàn tỉnh.

Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ về thẻ BHYT và khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Mặt khác, người dân từng bước ý thức việc tham gia BHYT là để bảo vệ tài chính cho bản thân và gia đình nếu không may bị bệnh, nên đã chủ động tham gia.

Tính đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh Phú Yên có 812.996 người tham gia BHYT với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,62% dân số toàn tỉnh.

Vì vậy, đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được chăm sóc sức khỏe cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí KCB, từ đó loại bỏ những tư tưởng, hủ tục lạc hậu.

Hiện, toàn tỉnh Phú Yên có 31.211 đồng bào DTTS tham gia BHYT. Lượt KCB cho người DTTS ngày càng được nâng cao; riêng 6 tháng đầu năm 2023 có 17.912 lượt người DTTS KCB tại các cơ sở y tế...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Phú Yên có 17.241 người DTTS bị ảnh hưởng, không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT.

Hiện vẫn còn trên 5.000 đồng bào DTTS do điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn, chưa có điều kiện tham gia BHYT. “Với mức thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS hiện nay còn rất thấp, nếu không được cấp thẻ BHYT thì chi phí dành cho KCB sẽ là gánh nặng của gia đình; nhiều người DTTS không có điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của gia đình, nguy cơ phát sinh hộ nghèo và tái nghèo cao; đồng thời ảnh hưởng lớn đến chính sách giảm nghèo bền vững và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh” - Trưởng ban Dân tộc Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Công nhận định.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả chính sách BHYT vùng đồng bào DTTS

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BHYT đối với người DTTS, mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Yên đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả chính sách, pháp luật về BHYT vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người đồng bào DTTS tham gia thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHYT. Hằng năm, tổ chức đồng bộ việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, kịp thời lập danh sách và cấp thẻ BHYT của năm sau, đảm bảo quyền lợi KCB cho người đồng bào DTTS theo đúng quy định.

Vùng đồng bào DTTS Phú Yên là địa bàn cư trú lâu đời của 3 dân tộc chính là: Ê Đê, Chăm, Ba Na. Đến nay, cộng đồng các dân tộc phát triển đa dạng và phong phú với 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 DTTS với 60.128 người, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Y tế tăng cường chỉ đạo các cơ sở KCB triển khai các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng KCB và nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử do Bộ Y tế ban hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB.

Bên cạnh đó, Sở Y tế tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở KCB công lập; thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế đảm bảo có đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyên môn phục vụ cho người dân tốt hơn.

Cùng với đó, ngành BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. “Khi có nguồn kinh phí xã hội hóa từ tài trợ, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ưu tiên, quan tâm hỗ trợ BHYT cho một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người đồng bào DTTS” - văn bản của UBND tỉnh nêu.

UBND tỉnh Phú Yên cũng đề nghị, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các giải pháp để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng bị giảm thẻ; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, phường, thị trấn; từng thôn, buôn, tổ dân phố… để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc nắm bắt thông tin và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT được kịp thời, hiệu quả./.

Cùng chuyên mục
Phú Yên: Nhiều giải pháp thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số