Xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình) là hết sức quan trọng và cần thiết nhằm hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, tỉnh Quảng Ngãi đã đặc biệt chú trọng hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo bằng kinh phí, xây dựng các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế vượt lên mức sống tối thiểu.
Bên cạnh đó, tỉnh đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở và đưa vào hoạt động hiệu quả. Nhiều chính sách xã hội đã đi vào thực chất, đóng vai trò làm đòn bẩy hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên.
Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Xây dựng hệ thống kênh mương, giếng nước; sửa chữa đường giao thông, nâng cấp nhà văn hóa; sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường học có học sinh bán trú... đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Một số dự án, tiểu dự án liên quan đến sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, từng bước tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cùng với đó, thông qua Chương trình, người nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trong tỉnh giảm nhanh và bền vững.
Báo cáo về công tác giảm nghèo tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2023 cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2021 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020) của tỉnh Quảng Ngãi là 6,41%, đến cuối năm giảm xuống còn 5,35%, giảm 1,06%, đạt chỉ tiêu đề ra. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) là 9,11%, đến cuối năm giảm xuống chỉ còn 7,8%.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến cuối năm 2023, Quảng Ngãi phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,13%, riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025; giảm 4.107 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,24%.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Song song với đó, phấn đấu tối thiểu 1.450 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh xác định ngoài các giải pháp về đổi mới cơ chế, chính sách trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thì công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò then chốt, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình…/.
Qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Kiểm toán nhà nước kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện. Đồng thời, sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản; hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước kiến nghị cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững kết nối với hệ thống giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm theo dõi, chỉ đạo, đánh giá thực hiện Chương trình hiệu quả hơn.