Phú Yên: Thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững

(BKTO) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu giảm nghèo theo hướng “đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo”. Qua đó góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

giam-ngheo-phu-yen.jpg
Mô hình nuôi dê giúp nhiều gia đình tại huyện Sông Hinh thoát nghèo. Ảnh: TS

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Phú Yên, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, giúp người dân có cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tạo việc làm thường xuyên, các địa phương còn chú trọng đào tạo nghề, tư vấn việc làm, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo..., giúp các đối tượng này vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thống kê của Phòng LĐTBXH huyện Sông Hinh cho thấy, hiện nay, địa phương còn 1.521 hộ nghèo và 2.442 hộ cận nghèo. Để giúp người dân thoát nghèo, huyện đã và đang tập trung triển khai các chương trình, dự án trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…

     Theo kế hoạch năm 2023, đối với tỉnh Phú Yên, Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022; Chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 28/NQ-HDND ngày 11/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên.

Còn tại huyện Sơn Hòa, đến nay, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 14,49%, tương đương với 2.427 hộ. Phòng LĐTBXH huyện Sơn Hòa cho biết, huyện phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 700 hộ nghèo.

Theo đó, huyện tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; thực hiện các chính sách xã hội đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, hướng dẫn các xã đăng ký mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất; tăng cường lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình, chính sách để hỗ trợ đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, toàn tỉnh Phú Yên phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,85%. Để đạt được mục tiêu này, ngành LĐTBXH tỉnh đang tập trung triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của Chương trình. “Trong tháng 10/2023, toàn tỉnh sẽ tiếp tục rà soát kết quả thực hiện, qua đó đánh giá hiệu quả của Chương trình, làm cơ sở để triển khai Chương trình cho năm sau và những năm tiếp theo” - lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên thông tin./.

Đến ngày 30/6/2023, tình hình thực hiện dự toán, giải ngân vốn ngân sách nhà nước các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Phú Yên là 79.921 triệu đồng, đạt 12,67% tổng vốn kế hoạch năm 2023 (bao gồm chuyển nguồn); nguồn ngân sách trung ương giải ngân khoảng 76.479 triệu đồng, đạt 13,1% kế hoạch năm. Trong đó Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 33.141 triệu đồng (đạt 11,2%); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 3.615 triệu đồng (đạt 4,8%); Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 39.723 triệu đồng (đạt 18,5%).

Cùng chuyên mục
Phú Yên: Thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững