Thành lập Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

(BKTO) - Tại Kỳ họp thứ mười một (Kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua việc thành lập Sở An toàn thực phẩm trực thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố. Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Sở An toàn thực phẩm.

cac-dai-bieu-bieu-quyet-thong-qua-thanh-lap-so-an-toan-thuc-pham-dau-tien-cua-ca-nuoc.jpg
Các đại biểu biểu quyết thông qua thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguồn hochiminhcity.gov.vn

Ngày 24/6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2023. Trong đó, Khoản 1 Điều 9 quy định, HĐND TP. Hồ Chí Minh thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh.

Theo Tờ trình về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (viết tắt là Ban Quản lý) kết hợp lực lượng từ 3 Sở (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của TP. Hồ Chí Minh và tình hình thực tiễn của địa phương.

Theo Nghị quyết về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, cơ quan này có chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý về các vấn đề an toàn thực phẩm. Sở có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định.

Sở An toàn thực phẩm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, cơ quan chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Về cơ cấu nhân sự, Sở An toàn thực phẩm gồm một Giám đốc và không quá ba Phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm là Ủy viên UBND TP. Hồ Chí Minh do HĐND Thành phố bầu ra.

Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh có cơ cấu tổ chức bao gồm Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Cấp phép, Phòng Quản lý tiêu chuẩn và Giám sát ngộ độc thực phẩm, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông. Sở có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

Thông qua kết quả đạt được sau quá trình thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm (từ năm 2017 đến nay), UBND TP. Hồ Chí Minh nhận thấy đây là giai đoạn chín muồi để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.

Việc xây dựng một cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố, khắc phục các bất cập, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành./.

Cùng chuyên mục
Thành lập Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh