Tăng cường thanh tra, chấn chỉnh tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Đắk Nông là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, số doanh nghiệp hoạt động ít, song tình trạng chậm đóng, khó thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của doanh nghiệp càng làm tăng thêm khó khăn cho địa phương trong công tác chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn.

4442_thanh_tra_bhxh.jpg
Tăng cường thanh tra, chấn chỉnh tình trạng nợ đọng BHXH. Ảnh sưu tầm

Hàng chục tỷ đồng tiền đóng BHXH bị chậm nộp

Theo BHXH tỉnh, với sự nỗ lực vào cuộc của toàn ngành, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh không ngừng được tăng lên. Đặc biệt, việc giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết cho 2.907 người hưởng các chế độ BHXH một lần; giải quyết cho 2.063 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản. BHXH tỉnh đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 1.423 người hưởng trợ cấp BHTN…

Năm 2022, toàn tỉnh thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất theo Công văn số 236/BHXH-TST được 59 đơn vị. Kết quả thanh tra chuyên ngành đột xuất: Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trước khi thanh tra là 2.894 triệu đồng, trong thời gian thanh tra, đơn vị đã nộp BHXH, BHYT, BHTN số tiền 1.120 triệu đồng, thực hiện kết luận thanh tra đơn vị nộp BHXH, BHYT, BHTN số tiền 250 triệu đồng.

Qua thanh tra có 09 đơn vị không nộp số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN nên đã bị đoàn thanh tra tiến hành lập biên bản vi phạm và Giám đốc BHXH tỉnh ban hành 09 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 257 triệu đồng

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH còn thấp so với lực lượng trong độ tuổi lao động của tỉnh; độ bao phủ BHXH tăng chậm. Đáng chú ý, toàn tỉnh có 130 đơn vị chậm đóng, khó thu, tổng số tiền là 38.237 triệu đồng. 

Thực trạng chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng, song thực tế rất khó xử lý hình sự đối với trường hợp này, do khó chứng minh được hành vi trốn đóng BHXH. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng, doanh nghiệp cho rằng họ không trốn đóng BHXH mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi sau đó chỉ đóng một phần số nợ... 

“Việc dây dưa chậm đóng, trốn đóng BHXH là thực trạng đáng lo ngại, kéo theo nhiều hệ luỵ, không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động” - một chuyên gia lĩnh vực lao động cho biết.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung biện pháp xử lý trốn đóng BHXH, BHYT với những giải pháp mạnh như: Ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp chậm đóng BHXH; Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng BHXH... Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH rất phức tạp, cần nhiều thời gian và giải pháp mạnh hơn.

Trước tình trạng số doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT còn lớn, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông yêu cầu ngành BHXH cần phối hợp với các ngành chức năng có giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó, chú trọng tuyên truyền để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành; đi đôi với đó là có giải pháp kiên quyết, buộc các đơn vị chậm đóng, nợ đọng phải nâng cao tính tự giác chấp hành.

Tăng cường thanh tra đột xuất để xử lý vi phạm

Một trong những giải pháp được BHXH tỉnh Đắk Nông chú trọng để góp phần làm giảm tình trạng nợ đóng, thậm chí là trốn đóng BHXH, BHYT, đó là tăng cường thanh tra đột xuất việc chấp hành chính sách về BHXH.

Theo đó, hàng năm, BHXH tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nhàn - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH tỉnh Đắk Nông), trong quá trình thực hiện công tác thanh tra đột xuất cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc, như: nhân lực mỏng; việc thực hiện quy trình quản lý thu, đôn đốc nợ của một số đơn vị trực thuộc còn lơi lỏng, chưa thực hiện đúng quy định; công tác đôn đốc đối chiếu chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

dsc_5914.jpg
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT còn lớn. Ảnh: N.Lộc

Trước tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng đến tính ổn định, bền vững của chính sách BHXH, BHYT, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị BHXH Việt Nam và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các đơn vị trốn đóng hoặc nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài; phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn trong việc khởi kiện đơn vị sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, nợ các chế độ BHXH, BHYT để bảo vệ quyền lợi của người lao động theo quy định.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN chưa đủ sức răn đe; việc xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết dẫn đến một số đơn vị sử dụng lao động còn coi thường, không chấp hành việc xử phạt và kéo dài trong nhiều năm liền…

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, BHXH tỉnh Đắk Nông đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra đột xuất trong thời gian tới. Trong đó, cần tăng cường công tác đôn đốc nộp nợ BHXH, BHTN, BHYT trước khi tiến hành thanh tra, coi đây là giải pháp thường xuyên để vừa mang tính nhắc nhở, vừa để đơn vị kịp thời thu xếp nguồn tiền nộp BHXH. Đồng thời, tăng cường công tác rà soát, đối chiếu, đôn đốc trước khi đề nghị thanh tra đột xuất.

“Với khối lượng công việc rất lớn trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế thì không thể tiến hành thanh tra trực tiếp tại tất cả đơn vị nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT nên thanh tra đột xuất được coi là phù hợp hơn cả” - bà Nhàn cho biết.

Cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện cần tích cực tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; tham mưu phương án xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, trong đó tập trung xử lý các vi phạm về đóng không đầy đủ, nợ đọng quỹ BHXH, BHTN, BHYT... 

Đánh giá về công tác thanh tra, đặc biệt là đột xuất chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, công tác này đóng vai trò quan trọng trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, qua đó giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động./.

Cùng chuyên mục
Tăng cường thanh tra, chấn chỉnh tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội