Tuy ghi được dấu ấn này, nhưng hành trình để gặt hái thành quả đã và đang còn lắm gian nan.
Đầu tư ra nước ngoài - hành trình bền bỉ
Theo TS. Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là đơn vị chủ lực của PVN thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.
Những năm 2004-2006, bức tranh mở rộng hoạt động đầu tư của PVN/PVEP ở những khu vực trọng điểm được đẩy mạnh, với thành công đầu tiên là việc phát hiện dầu khí ở Algeria, Malaysia.
Năm 2006, Venezuela đã đưa ra 2 dự án hợp tác là Junin-2 nằm trong vành đai dầu Orinoco và dự án nghiên cứu nâng cao hệ số thu hồi lòng hồ Maracaibo, cùng 1 số lô thăm dò ngoài khơi của Venezuela.
Nhờ đó, PVEP đã có được dự án Junin-2 với những điều kiện tốt nhất so với các đối tác nước ngoài khác. Tuy nhiên, sau khi Hợp đồng được ký kết, Venezuela bị cấm vận, phong tỏa về hoạt động dầu khí nên dự án Junin-2 chưa thể triển khai như dự kiến.
Nếu Venezuela được mở cửa trở lại, PVEP vẫn còn cơ hội để phát triển và khai thác, cùng với giá dầu hiện nay, không có dự án nào có thể bị lỗ - TS. Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
Với việc triển khai ở Venezuela, PVN/PVEP đã đặt chân lên Mỹ Latinh, được sự chào đón của các nước Ecuador, Brazil, Peru, Argentina, Chile... nhưng PVEP chỉ dừng lại ở Peru sau nhiều quá trình sàng lọc.
Tại Peru, trước khi có Lô 39, Lô 67, PVEP đã có Lô Z47 ở ngoài khơi và Lô 162 trên đất liền để làm nghiên cứu ban đầu. Sau quá trình triển khai, PVEP đánh giá tiềm năng dầu khí ở Peru còn thấp và không tiếp tục đầu tư. Với Lô 39 đã có phát hiện bởi Conoco Phillips, Lô 67 là dự án phát triển khai thác của Perenco.
Sau này, PVEP ký hợp đồng dầu khí ở Uzbekistan với 2 dự án, trong đó 1 dự án đang triển khai ở giai đoạn thăm dò, có biểu hiện dầu khí nhưng vì lý do tài chính nên PVEP không đi tiếp. Còn 1 dự án nghiên cứu nhưng vì rủi ro nên dừng lại.
PVN/PVEP đã rất thành công với dự tại khu tự trị Nhenhetxky - Liên bang Nga. Đây là dự án được Chính phủ Nga và Việt Nam phê duyệt và trao giấy phép cho Công ty Rusvietpetro (liên doanh giữa PVN 49% và Zarubesnheft 51%) từ năm 2008.
Liên doanh Rusvietpetro đang thực hiện các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác tại 13 mỏ dầu thuộc 04 lô tại khu tự trị Nhenhetxky, có trữ lượng địa chất và trữ lượng thu hồi dầu lần lượt khoảng 244 triệu tấn và 96 triệu tấn - là dự án mang lại hiệu quả cao, doanh thu tốt, vốn thu hồi lớn hơn số tiền đầu tư và là một trong những liên doanh có hiệu quả nhất của PVN ở nước ngoài hiện nay.
Để PVN/PVEP thành công ở một số Dự án như hiện nay, đầu tiên phải nói đến việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ, PVN đã có những chính sách đúng đắn trong việc mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đây là bước đi phù hợp với xu thế bởi các công ty dầu khí quốc tế đều có hoạt động bên ngoài lãnh thổ và đa phần thành công - TS. Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
Những kết quả cụ thể đạt được ở các dự án tại Algeria, Liên bang Nga là minh chứng cho việc PVN/PVEP có thể trở thành nhà đầu tư trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí với tư cách là nhà điều hành hoặc cùng điều hành.
Hơn nữa, nhờ các dự án đầu tư ra nước ngoài, PVN/PVEP có đội ngũ chuyên gia, nhà quản lý điều hành các dự án dầu khí chuyên nghiệp, tay nghề vững vàng.
Lợi nhuận mang về đứng đầu khối DNNN
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2022, Việt Nam có 30 DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Trong tổng số hơn 6,6 tỷ USD các DNNN đầu tư ra nước ngoài, PVN đứng đầu với 4 tỷ USD, chiếm 60,8%.
Về tình hình thu hồi vốn đầu tư ra nước ngoài, báo cáo cho biết, lũy kế đến ngày 31/12/2022, có 72 dự án đầu tư ra nước ngoài của 16 DN đã phát sinh các khoản thu hồi với tổng số tiền lũy kế hơn 4 tỷ USD, trong đó có 1,9 tỷ USD lợi nhuận được chuyển về nước.
Đáng chú ý, PVN là DN có số tiền thu hồi lớn nhất với 2,9 tỷ USD, chiếm 71,09% tổng số tiền đã thu hồi của khối DN có vốn nhà nước. Số này đã bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là hơn 1,1 tỷ USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông là 549,12 triệu USD và thu hồi khác là 1.171,63 triệu USD.
Đến thời điểm này, ngành dầu khí có 32 dự án đầu tư ra nước ngoài đã ký kết, gồm 5 dự án tìm kiếm dầu khí, 21 dự án thăm dò dầu khí, 6 dự án mua mỏ và mua trữ lượng. Tổng trữ lượng dầu đã phát hiện và mua quyền sở hữu khoảng 145 triệu tấn dầu thô. Tổng số tiền đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 3,6 tỷ USD tính đến 31/12/2022. Tổng số tiền đã chuyển về nước khoảng 2,5 tỷ USD tính đến 31/12/2022.
Tính đến tháng hết tháng 6/2023, dự án tại Algeria đã khai thác được 48,14 triệu thùng dầu và dự kiến sẽ cán mốc 50 triệu thùng trong năm 2023.
Trong số 32 dự án này, chỉ với dự án dầu khí Nhenhetxki và dự án tại Algeria, phần thu của phía Việt Nam sẽ vượt phần vốn chuyển ra nước ngoài của tất cả các dự án cộng lại.
Tuy nhiên, hiện có 3 dự án đang phải dừng, giãn do các yếu tố địa chính trị, gồm 1 dự án lớn ở Venezuela và 2 dự án ở Peru. Với các dự án đã triển khai còn lại, hiện PVN và các đơn vị thành viên đang phải hoàn thành các thủ tục và các nghĩa vụ cam kết của nhà đầu tư với nước sở tại cũng như với các đối tác tham gia dự án.
Chia sẻ về những khó khăn của hoạt động đầu tư ra nước ngoài, TS. Nguyễn Quốc Thập nêu rõ, Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí đang bộc lộ những hạn chế do những ràng buộc liên quan đến tổng mức đầu tư, hạn mức chuyển tiền ra nước ngoài và giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.
Bên cạnh đó, việc có ý kiến khác nhau của các cơ quan quản lý nhà nước khiến quá trình thẩm định kéo dài không hạn định, ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ dự án.
Đây chính là những bất cập khiến các dự án đầu tư ra nước ngoài của ngành dầu khí gặp khó khăn, nhất là với các dự án khoan thăm dò khi kết thúc không phát hiện dầu khí (dự án không thành công) nhưng lại có tổng vốn đầu tư bị vượt con số được phê duyệt ban đầu. Khi đó, chủ đầu tư phải xin phép và việc xin phép này liên quan rất nhiều thủ tục như xin điều chỉnh báo cáo đầu tư, xin hạn mức đầu tư điều chỉnh…
Hiện nay, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP đang được đưa ra lấy ý kiến, Hội Dầu khí Việt Nam kỳ vọng Nghị định mới phải đảm bảo được một số mục tiêu.
Cụ thể, với những dự án đang triển khai tốt phải tạo được hành lang pháp lý cho dự án hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn; với những dự án đầu tư buộc phải kết thúc thì cần có quy định rõ ràng để kết thúc nhanh nhất, tránh kiện tụng phát sinh chi phí.
Với những dự án lớn, những dự án khó bị tác động bởi các yếu tố địa chính trị như các dự án dầu khí ở Venezuela hay Peru, cần có cơ chế để duy trì dự án này hoặc cơ chế bán cắt lỗ để giảm thiểu những rủi ro cho chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Nghị định mới cần đảm bảo đơn giản hóa các quy trình, thủ tục phê duyệt các dự án dầu khí mới, tránh kéo dài gây lãng phí trong quá trình chuẩn bị./.