Nhiều yếu tố tác động đến PVN và các đơn vị thành viên
Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới cho thấy có nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng giảm, gia tăng nguy cơ suy thoái hệ thống tài chính, cầu tiêu dùng sụt giảm…
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) toàn cầu tháng 4 tiếp tục nằm ở ngưỡng dưới 50 điểm, giữ mức 49,6 điểm. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN đều gặp khó khăn. Trong tháng 4, chỉ có chỉ số PMI của Mỹ tăng, còn của Trung Quốc, EU đều giảm mạnh…
Trong nước, kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng các chỉ số kinh tế vĩ mô đều thấp so với cùng kỳ. Cùng với tác động bất lợi của tình hình thế giới và trong nước, yếu tố suy giảm giá dầu khí tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN.
Mặc dù OPEC+ tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5 nâng tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu, nhưng giá dầu không tăng mà có xu hướng giảm từ cuối tháng 4.
Nguyên nhân là do nỗi lo suy thoái tiếp tục hiện hữu tại các nền kinh tế lớn, lạm phát tiếp tục gia tăng, lãi suất vẫn có nguy cơ được các ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng.
Tại Hội nghị giao ban điều hành sản xuất kinh doanh thường kỳ tháng 5/2023 với lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn mới đây, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, giá dầu thô xuất bán của PVN trung bình trong tháng 4 giảm hơn 17,1 USD/thùng so với cùng kỳ, tương đương mức giảm gần 16%.
Cùng với đó, giá khí đốt tự nhiên trên thị trường tiếp tục duy trì mức thấp trong bối cảnh dư cung và cầu yếu; dù giá điện được điều chỉnh tăng 3% nhưng không đáng kể so với đà tăng giá nguyên liệu đầu vào; giá phân bón ở mức thấp, đặc biệt là phân đơn, nhu cầu tiêu thụ yếu.
Trong bối cảnh đó, PVN đã quyết liệt triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại từ các yếu tố bất lợi, đặc biệt là yếu tố giá, tận dụng các cơ hội để gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 4 của PVN tương đối ổn định, khả quan hơn so với tháng trước đó.
Khắc phục những yếu tố bất lợi để hoàn thành kế hoạch năm 2023
Nêu bật những kết quả đạt được của PVN trong tháng 4, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, sản lượng khai thác dầu, khai thác khí trong tháng 4 tiếp tục đạt kết quả tích cực hơn so với những tháng đầu năm.
Trong đó, khai thác dầu thô trong nước tháng 4 đạt tương đương với mức thực hiện cùng kỳ 2022; khai thác dầu ở nước ngoài đạt tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiếp tục duy trì công suất cao (đạt từ 106-114% công suất thiết kế), góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định thị trường xăng dầu của cả nước.
Tính chung 4 tháng, tất cả các chỉ tiêu sản xuất chính của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cụ thể, khai thác dầu thô vượt 15,3%; khai thác khí vượt 20,3%; sản xuất đạm vượt 12,8%; sản xuất xăng dầu vượt 13%; sản xuất điện vượt 4,6% so với kế hoạch 4 tháng.
Các chỉ tiêu tài chính của PVN trong 4 tháng đầu năm cũng vượt cao so với kế hoạch và tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 262,2 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch.
Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn (không bao gồm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn) ước đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch, bằng 52% kế hoạch năm 2023.
Đặc biệt, ngày 27/4 vừa qua, PVN đã khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm Nhà máy sẽ cung cấp khoảng 7-7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia; đưa tổng công suất các nhà máy điện đã vận hành của toàn Tập đoàn đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất lắp đặt của cả nước.
Một trong những điểm sáng trong 4 tháng đầu năm của PVN là các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ có hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng ổn định và dự báo tiếp tục duy trì kết quả khả quan trong những tháng tiếp theo.
Để đảm bảo thực hiện đạt kế hoạch đề ra cho tháng 5 và những tháng tiếp theo của năm 2023, Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thúc đẩy.
Một là tiếp tục đảm bảo các điều kiện, giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ duy trì sản lượng khai thác.
Hai là đảm bảo an toàn, ổn định, khả dụng cao của các nhà máy điện, tận dụng cơ hội thị trường khi nguồn cung ứng điện đang rất căng thẳng để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời cung cấp điện tối đa phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ba là tập trung thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng, giải quyết các thủ tục đầu tư, đặc biệt chú trọng các dự án trọng điểm như Chuỗi dự án khí Lô B, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 &4…
Còn theo Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế, tài chính, biến động giá dầu và các sản phẩm dầu khí theo hướng bất lợi, PVN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu duy trì ổn định, tăng trưởng đưa ra từ đầu năm.
Lãnh đạo PVN yêu cầu các đơn vị cần tập trung thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan như Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí…
Đồng thời, cần khắc phục tình trạng suy giảm sản lượng ở các lĩnh vực sản xuất; suy giảm doanh thu ở các đơn vị, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của toàn Tập đoàn.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy đánh giá nguồn lực dịch vụ, xây dựng sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tiếp tục đẩy mạnh công tác quản trị danh mục/dự án đầu tư, chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số…