Tỷ lệ niềm tin của các CEO vào triển vọng kinh tế 2019 |
Cuộc khảo sát thường niên lần thứ 22 PwC được thực hiện với hơn 1.300 CEO trên toàn thế giới, và được công bố tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 22/1/2019 (WEF Davos). Kết quả năm nay được PwC công bố trái ngược hoàn toàn với năm ngoái (57% các CEO lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu), và đánh dấu kỷ lục về mức độ bi quan. Tuy vậy, không phải tất cả đều nhìn nhận tương lai một cách u ám, theo khảo sát, 42% CEO vẫn nhận thấy triển vọng kinh tế được cải thiện, mặc dù con số này giảm đáng kể so với năm 2018.
Nhìn chung, kỳ vọng của các CEO về tăng trưởng kinh tế toàn cầu phân cực khá rõ nét trong năm nay. Sự thay đổi rõ rệt nhất là khu vực Bắc Mỹ khi tỷ lệ các CEO lạc quan giảm từ 63% năm 2018 xuống còn 37% do sự suy giảm của chính sách kích thích tài khóa và các căng thẳng thương mại. Các khu vực khác như Trung Đông cũng chứng kiến sụt giảm lớn, từ 52% xuống 28% do bất ổn kinh tế khu vực gia tăng.
Mức độ bi quan tăng mạnh đã tác động không nhỏ đến kế hoạch tăng trưởng tại nước ngoài của các CEO. Theo đó, Mỹ vẫn là thị trường hàng đầu để tăng trưởng, nhưng đã có sự suy giảm đáng kể từ 46% năm 2018 còn 27% trong năm nay; tiếp đến là thị trường Trung Quốc giảm từ 33% năm 2018 xuống còn 24%. Do cuộc xung đột thương mại đang diễn ra với Mỹ, các CEO của Trung Quốc đã đa dạng hóa thị trường để tăng trưởng và chỉ 17% chọn Mỹ (giảm từ 59% năm 2018). Ba quốc gia còn lại trong Top 5 về tăng trưởng là Đức với 13% (năm 2018 là 20%), Ấn Độ 8% (giảm 1% so với 2018) và Anh 8% (năm 2018 là 15%).
Đặc biệt, sự lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng đã làm giảm niềm tin của các CEO vào triển vọng của chính DN mình trong ngắn hạn. Cụ thể: chỉ 35% các CEO tham gia khảo sát tự tin về triển vọng tăng trưởng của mình trong 12 tháng tới, trong khi năm 2018 là 42%. Để thúc đẩy doanh thu trong năm nay, 77% các CEO dự định sẽ tập cải thiện hiệu quả hoạt động và 71% lên kế hoạch về tăng trưởng hữu cơ.
Chiến tranh thương mại- nỗi lo lớn nhất của giới lãnh đạo DN
Khi các chỉ số cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể sắp bước vào giai đoạn suy giảm, nhiệm vụ chính của nhiều CEO giờ đây là ứng phó với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tại các thị trường nơi họ hoạt động. Xung đột thương mại, bất ổn chính sách và chủ nghĩa bảo hộ đã thay thế khủng bố, biến đổi khí hậu và gia tăng gánh nặng thuế.
Top 10 thách thức ảnh hưởng đến tăng trưởng của DN |
Theo ông Bob Moritz - Chủ tịch toàn cầu của PwC, quan điểm của các CEO về kinh tế thế giới phản ánh phần lớn triển vọng kinh tế năm 2019. Các dự báo đều đang được điều chỉnh theo chiều hướng đi xuống, và với sự gia tăng căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, rõ ràng sự tự tin đang suy giảm.
Đại diện của PwC cho biết, các CEO trên khắp thế giới có những nỗi lo giống nhau. Trong đó, sự thiếu ổn định chính sách, khả năng thiếu hụt lao động chất lượng cao và sự quản lý quá mức là những rủi ro chính. Đặc biệt, xung đột thương mại khiến các CEO trên khắp thế giới vô cùng quan ngại. Và tất nhiên, giới CEO Mỹ và Trung Quốc là những người lo lắng nhất về cuộc đối đầu giữa hai quốc gia này.
Theo khảo sát của PwC, 44% CEO ở khu vực Bắc Mỹ cho biết “cực kỳ lo lắng” về xung đột thương mại, còn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là 38%. Trong số các CEO “cực kỳ lo lắng” về các xung đột thương mại, 88% đặc biệt lo lắng về các vấn đề thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong đó, 98% các CEO Mỹ và 90% các CEO Trung Quốc đã lên tiếng về những lo ngại này.
Cùng với đó, phần lớn các DN đang phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh như một kết quả tất yếu: 62% các CEO Trung Quốc- những người “cực kỳ lo lắng” về chiến tranh thương mại đã và đang điều chỉnh chiến lược chuỗi cung ứng; 58% đang điều chỉnh chiến lược tăng trưởng của họ sang các quốc gia khác; và có khoảng 4 trong số 10 người được hỏi đang dịch chuyển dây chuyền sản xuất và trì hoãn giải ngân vốn.
Đối với khảo sát lần này, PwC đã thực hiện 1.378 cuộc phỏng vấn với các CEO tại 91 quốc gia từ tháng 9 đến tháng 10/2018. Mẫu khảo sát được lập tương ứng với GDP quốc gia để đảm bảo rằng các quan điểm của CEO được thể hiện công bằng trên tất cả các khu vực địa lý. 10% các cuộc phỏng vấn được thực hiện qua điện thoại, 73% trực tuyến và 10% qua đường bưu điện hoặc gặp trực tiếp. Trong tổng số các CEO tham gia khảo sát, 48% DN có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên: 36% công ty có doanh thu từ 100 triệu đến 1 tỷ USD; 15% công ty có doanh thu lên tới 100 triệu USD; 59% công ty thuộc sở hữu tư nhân. |