Quan hệ cổ đông giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

(BKTO) - Ngày 05/3, Tạp chí Nhà Đầu tư đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Tọa đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành dầu khí” để các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo DN chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học thành công nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quan hệ nhà đầu tư với DN, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của DN.



Hoạt động IR có tầm quan trọngđặc biệt

Tại Tọa đàm, các đại biểu nêu rõ, hoạt động quan hệ cổ đông (IR) là một chuỗi các hoạt động được DN thực hiện nhằm mục đích nâng cao hình ảnh, thương hiệu, cung cấp thông tin, cập nhật các dự án, kế hoạch hoạt động kinh doanh… để các nhà đầu tư hiểu và đánh giá đúng tiềm năng của DN trước khi đầu tư. Các DN lớn trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đều quan tâm và triển khai các hoạt động IR rất thành công. Nhiều DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này và các DN dầu khí không phải là ngoại lệ.

Hoạt động IR càng phải được DN dầu khí chú trọng hơn trong bối cảnh PVN định hướng từ năm 2019 sẽ đẩy mạnh công tác tái cấu trúc, sắp xếp các DN, hoạt động thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại các DN. Định hướng này là tất yếu bởi chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc DNNN mà Đảng, Nhà nước đề ra đã và đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Ông Đinh Văn Sơn - Thành viên HĐTV của PVN - cho biết, hiện nay, PVN đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án Tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Việc cổ phần hóa, thoái vốn các DN dầu khí sẽ diễn ra sôi động. Để quá trình tái cấu trúc, thoái vốn diễn ra thành công, nhất là nâng cao, cải thiện vị thế, hình ảnh của Tập đoàn và các DN dầu khí, hoạt động IR phải được quan tâm đúng mức; đồng thời thường xuyên cải thiện và bổ sung các hoạt động truyền thông, quan hệ công chúng, tạo kênh kết nối 2 chiều hiệu quả từ các Bộ, ngành, cơ quan quản lý đến Tập đoàn cùng các DN thành viên và các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông chiến lược nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Đinh Văn Sơn đã thẳng thắn nêu thực trạng: Hoạt động IR nhìn chung chưa được các DN dầu khí thực hiện một cách chuyên nghiệp, cách thức triển khai hoạt động chưa đồng đều, nhất quán. Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo Tập đoàn và các DN thành viên. Nhưng bên cạnh nhiều DN chưa thực sự làm tốt thì có những thành viên trong Tập đoàn lại rất chú trọng thực hiện các hoạt động IR.

Tác động trực tiếp đến giá trịdoanh nghiệp, giá cổ phiếu

Từ thực tiễn thành công trong việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào sàn chứng khoán của các DN ngành dầu khí gần đây (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí - PV Power, Tổng công ty Dầu Việt Nam…), các đại biểu đánh giá, một số DN dầu khí đã tích cực thực hiện các hoạt động IR, kết nối với các nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp, minh bạch hóa thông tin, chủ động cung cấp thông tin tới thị trường và các nhà đầu tư tiềm năng, qua đó giúp DN thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư. Ngoài ra, các đại biểu cũng đánh giá cao việc thực hiện các hoạt động IR của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Phú Mỹ, Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Cà Mau…

Cùng với việc đánh giá cao những hoạt động IR hiệu quả, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó Tổng Giám đốc PV Power - đã chỉ ra một loạt những hoạt động IR không hiệu quả như: IR không minh bạch, che giấu thông tin, chỉ đưa thông tin một chiều; thông tin không được công bố rộng rãi, công khai, đầy đủ, chính xác; thông tin không được cập nhật thường xuyên hoặc theo định kỳ. Hệ quả là DN không tạo được mối quan hệ tốt với nhà đầu tư, không thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và chuyên gia phân tích; các chuyên gia phân tích không có đủ thông tin để làm báo cáo; nhà đầu tư trở nên nghi ngờ về giá trị DN hoặc sẽ khiến cho tính thanh khoản và giá cổ phiếu thấp…

Còn ông Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Phát triển quan hệ và Đối ngoại của Quỹ Đầu tư Dragon Capital - cho rằng, IR là một phần quan trọng và không thể tách rời với hệ thống quản trị DN. Những hoạt động này sẽ tạo sự gắn kết nhằm hỗ trợ DN đạt được những mục tiêu đề ra và tạo ra những giá trị kinh tế bền vững, dài hạn cho cổ đông. Theo đó, đại diện Quỹ Dragon Capital nêu giải pháp, để việc tổ chức và triển khai hoạt động IR hiệu quả, HĐQT của DN cần thể hiện cam kết cao trong việc hướng DN đến một văn hoá đối thoại cởi mở hơn với các cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng, các chuyên viên phân tích và báo chí. Cùng với đó, các DN cần thành lập bộ phận chuyên trách IR và có nhân sự chuyên trách; thường xuyên rà soát kế hoạch, hoạt động IR, theo dõi và tiếp nhận những phản hồi từ thị trường, nhà đầu tư để có những hiệu chỉnh kịp thời và quản trị tốt rủi ro.
         
IR của PV Power thời gian qua được đánh giá là điển hình nhất trong số các DN dầu khí với việc tổ chức hoạt động gặp gỡ các chuyên gia phân tích tài chính; Chương trình đi thăm nhà máy điện khí, hay Chương trình “Hành trình năng lượng” (phối hợp với Công ty Chứng khoán Dầu khí, năm 2018)… Đây là những hoạt động hiệu quả, hữu ích, không chỉ phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin từ phía các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, kết nối với các quỹ đầu tư nước ngoài (Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu) mà còn hỗ trợ việc công bố thông tin cho giới phân tích và các nhà đầu tư chuyên nghiệp nên được các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đánh giá rất cao.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019
Cùng chuyên mục
Quan hệ cổ đông giúp doanh nghiệp phát triển bền vững