Công tác quản lý khoáng sản vẫn còn những bất cập, việc khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp. Ảnh: Thái Anh
Khai thác khoáng sản ở nhiều nơicòn diễn biến phức tạp
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại. Một số loại khoáng sản có trữ lượng, tiềm năng lớn, có thể phát triển thành ngành công nghiệp. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết, sau 75 năm, ngành địa chất đã xác định được trên 5.000 điểm quặng và trên 60 loại khoáng sản khác nhau. Hiện 45 loại khoáng sản đang được khai thác chủ yếu với khoảng trên 500 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 3.000 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND các tỉnh, thành phố. Việt Nam đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 với 70% diện tích đất liền, còn 30% diện tích chưa lập bản đồ địa chất khoáng sản.
Theo ông Thanh, từ Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996 cho đến Luật Khoáng sản năm 2010 cùng với 8 nghị định, khoảng 50 thông tư cho thấy, hệ thống chính sách, các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, công tác quản lý khoáng sản vẫn còn những bất cập, việc khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là cát sỏi lòng sông, khai thác than hay khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Thêm nữa, việc xác định hành vi vi phạm hay chế tài xử phạt đối với tình trạng khai thác, xuất khẩu lậu tài nguyên khoáng sản thời gian qua chưa đủ sức răn đe.
PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - cũng thừa nhận, thực tiễn công tác quản lý tài nguyên khoáng sản vẫn có những điều chưa phù hợp, song cần nhìn tổng thể nền kinh tế chứ không nên chỉ nhìn ở khía cạnh bất cập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa chuyển sang kế hoạch hóa tập trung, phát triển theo cơ chế thị trường, đòi hỏi cần phải gỡ từng bước một. Theo ông Chinh, khoáng sản là đầu vào rất quan trọng của các ngành kinh tế. Nếu tháo gỡ được các nút thắt của cơ chế thì sẽ đảm bảo được nguồn lực cũng như kinh phí trong bối cảnh thị trường cạnh tranh không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Điều này đang đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt trong quản lý.
Biến nguồn lực khoáng sảnthành tiềm năng du lịch
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã gắn kết hoạt động sau khai thác và chế biến khoáng sản với hoạt động du lịch. Tại Malaysia, kinh tế du lịch trong các mỏ sau khai thác là một nguồn thu nhập đáng kể và rất độc đáo của đất nước này. Còn tại Brunei, tour tham quan Trung tâm Chế xuất dầu khí Oil Field cách thủ đô nước này khoảng 80km là một điểm nhấn đáng chú ý.
Mới đây, tại Tọa đàm “Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý”, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, nguồn thu từ khoáng sản phải được tái đầu tư, biến tiềm năng thành động năng theo hướng phát triển du lịch bền vững.
Theo Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh, tài nguyên khoáng sản là hữu hạn và không thể tái tạo. Vì thế, trong bài toán kinh tế thị trường, chúng ta phải cân nhắc loại khoáng sản nào có tính chất chiến lược cần thiết khai thác sử dụng, loại nào các nước khác bán rẻ hơn thì có thể mua; loại nào quan trọng thì đắt cũng không nên bán. Đồng thời, việc quản lý, phát triển tài nguyên khoáng sản theo hướng chuyển từ tiềm năng thành động năng là vô cùng cần thiết. Muốn vậy, chúng ta cần phải biết tiềm năng, trữ lượng cụ thể và dự báo thị trường dài hạn. Ví dụ, đá vôi có thể làm đường, sản xuất xi măng hay phát triển du lịch từ những hang động đá vôi. “Vậy trong 3 thị trường này, chúng ta nên chọn thị trường nào để phát triển hiệu quả?” - ông Chinh đặt câu hỏi.
Ông Chinh tiếp tục dẫn chứng: “Hải Phòng có những rãnh đá vôi rất đẹp, có thể tận dụng phát triển du lịch, còn nếu khai thác rỗng thì bao nhiêu tiền cũng không mua lại được”. Thậm chí, theo chia sẻ của ông Chinh, hiện nay, có những cách tiếp cận mới như vẫn khai thác mỏ nhưng sau khai thác có thể biến những khu mỏ lộ thiên thành hồ tích trữ nước mưa để sử dụng và phát triển du lịch, chứ không nhất thiết phải lấp lại.
Đồng quan điểm, Phó Tổng cục trưởng Lại Hồng Thanh cũng cho rằng, chúng ta chỉ cân đối khai thác đủ dùng, còn sau đó nên phát huy nguồn lực này vào tái đầu tư. Tài nguyên khoáng sản không đơn thuần chỉ phục vụ cho mục đích khai thác mà đó còn là tiềm năng để phát triển du lịch bền vững. Hiện một số khu vực sau khi đóng cửa mỏ đã chuyển sang khai thác, phát triển du lịch như Khu du lịch Bửu Long, tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, chúng ta cần đánh giá tiềm năng, hiện trạng của tài nguyên khoáng sản để lập ra chiến lược, kế hoạch trong giai đoạn sắp tới.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2050 Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững, Phó Tổng cục trưởng cho rằng, cần phải đánh giá dài hạn hơn việc tiếp cận, sử dụng, hướng tới giải pháp dự trữ lâu dài. Hiện, Việt Nam đã dự trữ hơn 10 loại khoáng sản khác nhau cho các giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế, một số loại về mặt chiến lược lâu dài có giá cao cũng không bán. Đồng thời, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động và sản lượng khai thác thực tế để bảo đảm tránh thất thoát, phát triển theo hướng bền vững ngay cả khi đóng cửa mỏ.
Theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo, một khi mất đi là khó có thể phục hồi. Do đó, chuyển các mỏ sau khi đóng cửa sang phát triển du lịch được coi là hướng đi bảo vệ, sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý và hiệu quả nhất.
XUÂN HỒNG