
Chưa có nhiều đột phá trong hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh
Nhìn lại hoạt động cải cách quy định thủ tục hành chính trong thời gian qua, chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết, trong giai đoạn 2020-2024, hàng năm, các Bộ đều đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, qua hoạt động rà soát, VCCI nhận thấy về cơ bản các Bộ chủ yếu đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa theo các hướng như sửa đổi, bãi bỏ một số trường thông tin trong các tài liệu (ví dụ: bãi bỏ trường thông tin ngày cấp, nơi cấp giấy tờ công dân tại mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận hành nghề dịch vụ kế toán; sửa đổi người ký tên trên biểu mẫu của thủ tục Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam thành “người đại diện theo pháp luật” …). Hay là, bãi bỏ một số tài liệu trong thành phần hồ sơ (ví dụ: bỏ yêu cầu phải có bản sao không cần chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập hoặc các quyết định khác có giá trị pháp lý tương đương trong Thủ tục Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài).
Bên cạnh đó, cũng có một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã có một số đề xuất lớn hơn, như bãi bỏ hoàn toàn một số thủ tục hành chính (ví dụ: cắt giảm thủ tục đối với 5/7 hình thức khuyến mại); giảm số ngày giải quyết thủ tục (ví dụ: giảm số ngày giải quyết thủ tục từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc đối với thủ tục “đổi tên cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu”…).
Theo ông Tuấn, nhìn chung, các đề xuất trong các phương án của các Bộ sẽ tạo thuận lợi cho DN khi thực hiện thủ tục hành chính, tuy nhiên, các đề xuất này vẫn chưa có nhiều đột phá, đôi chỗ còn mang tính hình thức, chưa thực chất.
Sự băn khoăn về tính thực chất thể hiện ở một số điểm như: những đề xuất mang tính nhỏ nhặt; một số phương án đưa ra những đề xuất sửa đổi các quy định trên lý thuyết vì thực tế các quy định này đã không còn hiệu lực (đã bị bãi bỏ hoặc thay thế do các văn bản cấp trên đã thay đổi)…
“Những đề xuất dạng này vẫn được tính vào số lượng quy định được cắt giảm, đơn giản hóa trong các con số thống kê hàng năm để xác định có đạt mục tiêu đặt ra – cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ hay không” – ông Tuấn nêu thực tế.
Trong khi đó, theo ông Tuấn, những đề xuất như bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ các điều kiện kinh doanh; bỏ hoàn toàn các thủ tục hành chính…, mặc dù có được đề xuất, nhưng rất ít có trong các phương án.
Vì vậy, để nhận diện chính xác mức độ tác động của các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP cần xác định chính xác bao nhiêu quy định kinh doanh bị bãi bỏ, được đơn giản hóa, các quy định kinh doanh bị bãi bỏ, hình thức đơn giản hóa chủ yếu là gì và đánh giá tác động đối với những đề xuất này tới hoạt động kinh doanh của DN?...
“Thống kê trong Báo cáo tình hình, kết quả cải cách thủ tục hành chính năm 2024 của Văn phòng Chính phủ vào tháng 01/2025 cho thấy, từ năm 2021 đến nay, các Bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa là 3.195 quy định kinh doanh tại 281 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.763 quy định kinh doanh, đạt 20,2%. Tuy nhiên, DN kỳ vọng cần phân loại rõ hơn các đề xuất, cắt giảm đơn giản hóa từ đó có thể phân tích sâu hơn mức độ tác động của các đề xuất này” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Phân cấp, phân quyền cần gắn với giảm thời gian thực hiện thủ tục
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, một vấn đề nữa cũng được cộng đồng DN rất quan tâm đó thực hiện phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đây cũng là một trong những hoạt động được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Đơn cử, trong năm 2024, tổng số thủ tục hành chính đã được các Bộ, ngành phân cấp là 172 thủ tục tại 32 văn bản quy phạm pháp luật. Từ năm 2022-2024, đã có 19/21 Bộ, cơ quan thực hiện phân cấp 328/699 thủ tục hành chính tại 65 văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ý kiến đánh giá của các đại biểu tại Hội thảo, việc phân cấp thẩm quyền cho các địa phương thực hiện các thủ tục sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho các DN, nhất là các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư.
Đơn cử, trong thời gian qua, một số văn bản pháp luật quan trọng đã sửa đổi để phân cấp xuống cho địa phương một số thủ tục quan trọng, điển hình như Luật sửa đổi Luật Đầu tư năm 2024 đã phân cấp thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của một số dự án. Hay tại Nghị định số 175/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng, đã phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi từ cơ quan chuyên môn thuộc Bộ xuống cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đối với công trình cấp I trở xuống… Cộng đồng DN đánh giá rất cao việc phân cấp này.
Tuy vậy, ý kiến của các đại biểu đánh giá, trong các phương án về phân cấp và việc sửa đổi các văn bản pháp luật tương ứng, rất nhiều đề xuất phân cấp theo hướng từ người đứng đầu cơ quan xuống cho người đứng đầu đơn vị chuyên môn (từ Bộ trưởng xuống Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xuống Giám đốc Sở) và giữ nguyên về trình tự, thời gian giải quyết thủ tục.
Như vậy, nhìn nhận từ góc độ của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính có thể thấy, thủ tục sau phân cấp gần như không thay đổi, trong khi đáng lẽ ra, việc phân cấp này sẽ giảm các tầng nấc trung gian và thời gian giải quyết thủ tục sẽ rút ngắn.
Từ góc độ DN, đánh giá chi phí tuân thủ vẫn là một “gánh nặng” đối với các DN, ông Trần Thanh Phương – Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam – cho biết, các DN hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận phù hợp các sản phẩm điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin đang phải đối mặt với bài toán chi phí tuân thủ tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Cụ thể, nếu như trước năm 2022, chi phí thử nghiệm và hợp quy cho điện thoại 5G khoảng 70 triệu, thì sau năm 2022 có giai đoạn tăng lên tới 3 tỷ, giờ ổn định ở mức khoảng 1 tỷ đồng cho 1 model.
“Chúng tôi ghi nhận trong năm 2023, số lượng kiểu loại điện thoại 5G được một số hãng đưa ra thị trường chỉ còn 1/3 so với năm 2022. Liệu có phải lý do là do chi phí tuân thủ quá cao so với quy mô thị trường?” – ông Phương đặt vấn đề.
Từ thực tế trên, ý kiến của các đại biểu nhấn mạnh Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm lớn trong việc cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh “thể chế đang là điểm nghẽn của các điểm nghẽn”. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt chuyển từ tư duy “không quản được thì cấm” sang tư duy “vừa quản lý, vừa thúc đẩy và khơi thông”. Đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong công cuộc cải cách pháp luật, thể chế kinh doanh hiện nay. Do đó, các ý kiến bày tỏ hy vọng trong thời gian tới hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ có những thay đổi mạnh mẽ và thực chất hơn./.