Quan tâm hơn y tế cơ sở trong phân bổ dự toán chi khám chữa bệnh BHYT

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc làm việc với Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, đại diện UBND TP. Hà Nội, TP. HCM… về hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Nghị định), chiều 16/5.

03.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Nghị định phải quán triệt nguyên tắc của BHYT là chia sẻ rủi ro, tập trung nguồn lực điều trị cho những người không may mắn, yếu thế. Ảnh: Chính phủ

Giao dự toán chi, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã báo cáo cụ thể phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trong đó tập trung một số nhóm vấn đề: Nguyên tắc thanh toán, quyết toán các chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT); nhóm đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT; tỷ lệ đồng chi trả chi phí KCB BHYT đối với một số nhóm đối tượng…

Theo đó, đại diện các Bộ ngành, hiệp hội thống nhất thay thế quy định quỹ BHYT thanh toán không vượt quá tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT tại cơ sở y tế bằng phương án giao dự toán chi, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt dựa trên thực tế KCB của cơ sở y tế.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính đề nghị hoàn thiện quy định về cơ sở xây dựng, phê duyệt, phân bổ, điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở y tế trên nguyên tắc giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, bảo đảm tổng thanh toán hàng năm không vượt quy định nhưng có thể điều chỉnh linh hoạt, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhưng Quỹ BHYT vẫn kết dư.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức cho rằng, Nghị định cần cụ thể hoá chủ trương áp dụng cơ chế thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT linh hoạt, mềm dẻo, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh; đồng thời kiểm soát, không để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi trong sử dụng thuốc, trang thiết bị không phù hợp với phác đồ điều trị.

Không áp dụng cứng nhắc nguyên tắc lập dự toán trên cơ sở tổng chi năm trước

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện quy định thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT về trình tự thủ tục, thẩm quyền xây dựng, phê duyệt, phân bổ, điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở y tế, tổng mức chi cho y tế năm sau phải tăng hơn năm trước; bảo đảm thực hiện được các mục tiêu của chính sách BHYT theo luật.

“Dự thảo Nghị định phải quán triệt nguyên tắc của BHYT là chia sẻ rủi ro, tập trung nguồn lực điều trị cho những người không may mắn, yếu thế. Trong trường hợp cần thiết khi tổng chi KCB BHYT vượt tổng thu cần tính đến phương án NSNN cấp bù” - Phó Thủ tướng lưu ý và cho rằng “cần quan tâm hơn đến y tế cơ sở trong phân bổ dự toán chi KCB BHYT để thực hiện tốt các nhiệm vụ về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý một số bệnh mãn tính, y tế dự phòng, để người dân không dồn lên y tế tuyến trên”.

Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở y tế lập dự toán chi hàng năm dựa trên khối lượng công việc, nhiệm vụ được giao; không áp dụng cứng nhắc nguyên tắc lập dự toán trên cơ sở tổng chi năm trước đó.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế ban hành đầy đủ phác đồ điều trị để tối ưu hoá hiệu quả điều trị, cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế tình trạng tuỳ tiện, lạm dụng thuốc, trang thiết bị điều trị trong KCB BHYT.

“Trong trường hợp cần thiết khi tổng chi KCB BHYT vượt tổng thu cần tính đến phương án NSNN phải cấp bù” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, Luật BHXH theo hướng đa dạng các gói BHYT đáp ứng khả năng chi trả khác nhau của người dân; cơ chế thanh toán chi phí chênh lệch đối với những bệnh nhân BHYT có nhu cầu sử dụng phác đồ điều trị, gói dịch vụ KCB có mức chi trả cao hơn gói dịch vụ BHYT cơ bản; xây dựng, cập nhật, chia sẻ cơ sở dữ liệu KCB giữa Quỹ BHYT và các cơ sở y tế để vừa kiểm soát chất lượng điều trị bệnh nhân, nhưng không lạm dụng kỹ thuật điều trị có chi phí lớn…/.

Cùng chuyên mục
  • Thể chế hóa quy định về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 11/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).
  • Đánh giá đầy đủ kết quả, những hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Qua giám sát chuyên đề và sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15, Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
  • Luật hóa vấn đề tài chính đất đai và giá đất
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần luật hóa vấn đề tài chính đất đai và vấn đề liên quan đến giá đất để người dân, doanh nghiệp biết.
  • Khai mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 09/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 23. Dự kiến, trong 4 ngày làm việc (từ 09-12/5), UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
  • Thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Qua thẩm tra, các ý kiến nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Quan tâm hơn y tế cơ sở trong phân bổ dự toán chi khám chữa bệnh BHYT