Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 8.000 doanh nghiệp, trong đó gần 2.000 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với tổng dư nợ hơn 32.500 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch thủ tục, quy trình vay vốn, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí.
Để tăng cường sự kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng; giảm lãi suất cho vay; định giá chính xác tài sản thế chấp hiện nay; khoanh nợ, giản nợ; triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã tiếp thu và giải trình một số vấn đề thuộc thẩm quyền; đồng thời khẳng định, thời gian tới sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cac doanh nghiệp cũng được thông tin về chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt và tiện ích của việc sử dụng ngân hàng số.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Phong Phú - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng công tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…, nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tich UBND tỉnh cũng yêu cầu Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương; kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp để chính quyền tỉnh kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ.
Các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, chuẩn hóa hoạt động, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh những ngành nghề được khuyến khích để có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng; chia sẻ, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp…
Nhân dịp này, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình và Hội Doanh nghiệp tỉnh đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.