Quảng Nam: Hướng đến nền hành chính công hiện đại, minh bạch, hiệu quả

(BKTO) - Với quyết tâm đổi mới và hành động quyết liệt, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực, hướng tới một nền hành chính công hiện đại, minh bạch và hiệu quả trong năm 2025.

27.3(1).jpg
Dự kiến đến ngày 15/6/2025, Quảng Nam sẽ đưa vào hoạt động Đề án thí điểm mô hình “Hành chính chủ động” trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ST

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành trên 60 văn bản chỉ đạo, triển khai cải cách hành chính. Toàn tỉnh đã thực hiện hơn 926 nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó cấp sở, ngành là 527 nhiệm vụ, cấp huyện, thị xã, thành phố là 399 nhiệm vụ.

Đồng thời, tỉnh cũng ban hành các quyết định phân cấp, ủy quyền trong nhiều lĩnh vực như tư pháp, tài chính, lao động - thương binh và xã hội, văn hóa - du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tăng cường công khai, minh bạch và nâng cao sự hài lòng của người dân.

Đặc biệt, trong quý I/2025, Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh đã xử lý 12.302 hồ sơ, đạt tỷ lệ đúng hạn 99,74%. Cấp huyện giải quyết 29.225 hồ sơ, đúng hạn 91,48%; cấp xã xử lý 32.548 hồ sơ, đúng hạn 97,54%. Tổng đài 1022 cũng phát huy vai trò trong việc tiếp nhận và giải đáp các phản ánh, kiến nghị, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhờ đó, Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của Quảng Nam luôn duy trì trong top 20 trở lên.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, cần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động rà soát, đánh giá những bất cập, hạn chế, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân và đề ra các giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ, đồng thời giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, việc xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số cần được thực hiện theo đúng lộ trình đã phê duyệt, gắn liền với các chương trình đột phá về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

UBND tỉnh Quảng Nam đã phát động đợt cao điểm 90 ngày tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, địa phương (từ 15/3/2025 đến 15/6/2025). Dự kiến đến ngày 15/6/2025, Quảng Nam sẽ đưa vào hoạt động Đề án thí điểm mô hình “Hành chính chủ động” trên địa bàn tỉnh.

Mô hình hướng đến mục tiêu xây dựng trung tâm phục vụ hành chính một cấp, vận hành hiệu quả; cơ quan có thẩm quyền chuyển từ tâm thế bị động phục vụ sang chủ động, tự cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của tổ chức, công dân. Đồng thời, chuyển từ quy trình giải quyết thủ tục hành chính thủ công sang môi trường số hóa, không giới hạn về địa giới hành chính. Qua đó, góp phần tăng trải nghiệm người dân, doanh nghiệp với dịch vụ hành chính công nhanh chóng, minh bạch, chủ động; thúc đẩy chuyển đổi số, tự động hóa quy trình xử lý, ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo./.

Cùng chuyên mục
Quảng Nam: Hướng đến nền hành chính công hiện đại, minh bạch, hiệu quả