Quảng Ngãi hiện có khoảng 6.688 doanh nghiệp tư nhân

(BKTO) - Trong quý I/2025, tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận và xử lý hơn 1.550 hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), với vốn đăng ký kinh doanh hơn 942 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.688 DN tư nhân và hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể.

l_qn_kttn_screenshot-2025-05-12-120634.png
Quảng Ngãi tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: ST

Trong những năm qua, kinh tế tư nhân (KTTN) trên địa bàn Quảng Ngãi đã tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công ty, DN tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm.

Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã có trên 50 năm trong lĩnh vực sản xuất chế biến đường. Cùng với định hướng chiến lược, đầu tư bài bản, khoa học từ vùng nguyên liệu đến chế biến, kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ bán hàng, công ty đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh; sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất đi các nước; doanh thu ngày càng tăng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Năm 2024, công ty đạt doanh thu hơn 10.700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động.

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, năm 2017 đã đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và hiện đang tiếp tục đầu tư Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với tổng vốn đầu tư hơn 171.000 tỷ đồng. Qua 7 năm triển khai thực hiện Dự án, Công ty đã đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 35.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 lao động trực tiếp, trong đó lao động địa phương chiếm hơn 80% và hàng nghìn lao động của các nhà thầu, đối tác của công ty; thu nhập bình quân của người lao động trên 13 triệu đồng/người/tháng.

Dự kiến, đến cuối năm 2025, khi hoàn thành Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 12 triệu tấn/năm; giải quyết thêm việc làm cho hàng nghìn lao động và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

Tại các khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Tịnh Phong, Quảng Phú và Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút nhiều DN trong và ngoài nước đến đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Để đẩy mạnh phát triển KTTN, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, DN trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành một số ngành công nghiệp mới và dịch vụ chất lượng cao như logistics, thương mại hiện đại, du lịch, công nghiệp phụ trợ.

Trong những năm tới, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển KTTN là mỗi năm thu hút 750 DN thành lập mới; đến hết năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 14.000 DN tư nhân. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục có những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết nhanh gọn thủ tục đầu tư; tăng cường hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho DN, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện các chính sách giảm, miễn thuế cho DN, tạo động lực cho DN tư nhân phát triển.

Đặc biệt, đối với các DN công nghiệp công nghệ cao, cùng với việc thực hiện các chính sách trên tỉnh còn ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông và tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi./.

Cùng chuyên mục
Quảng Ngãi hiện có khoảng 6.688 doanh nghiệp tư nhân