Báo cáo và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đánh giá, trong giai đoạn 2011-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu rất ấn tượng. Quảng Ninh đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng, một cực tăng trưởng của khu vực phía bắc…
Thời gian qua, Quảng Ninh đạt được những kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định; GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp 2016-2022; trong đó năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28% trong bối cảnh dịch Covid-19 (xếp thứ 13/63 toàn quốc và 3/7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía Bắc...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, tỉnh đặt mục tiêu tới năm 2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD.
Tỉnh xác định ba khâu đột phá giai đoạn 2020-2025 là: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…
Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng đánh giá cao và cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020-2025 và tầm nhìn, định hướng phát triển, các nhiệm vụ, giải pháp của Quảng Ninh.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số vấn đề mà Quảng Ninh cần lưu ý trong thời gian tới, mà trước hết là phải quản lý được môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, văn hóa phát triển. Vừa tăng tốc độ tăng trưởng, vừa tăng chất lượng tăng trưởng, tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình "một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực", khai thác tối đa các hành lang giao thông, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tiềm năng, khác biệt, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.
Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, trong đó có ưu tiên tuyến đường từ Uông Bí lên Yên Tử, đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, đường ven biển, hạ tầng cửa khẩu biên giới. Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cảng Móng Cái để thúc đẩy vận tải đường biển từ phía nam ra phía bắc, đẩy mạnh kết nối sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tỉnh Lạng Sơn triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 4B nối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, từ đó kết nối Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng và kết nối vùng Đông Bắc - Tây Bắc; đồng thời sớm khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại phải dừng lại từ năm 2011.
Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số qua những việc cụ thể, phấn đấu đi đầu trong triển khai thu thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
Quảng Ninh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, việc quản lý phải bảo đảm văn minh, sạch đẹp, trang trọng, quan tâm nâng cao giá trị văn hóa. Thủ tướng đề nghị phối hợp với các cơ quan và tỉnh Bắc Giang tích cực triển khai các công việc để đề cử UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.
Quảng Ninh cần phát huy các kinh nghiệm đã có, tăng cường huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua các hình thức hợp tác công tư. Tập trung đầu tư cho nguồn lực con người, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; sơ kết, đánh giá mô hình Đại học Hạ Long để tiếp tục triển khai xây dựng theo quy hoạch, nâng cấp, phát triển Đại học Hạ Long tầm cỡ khu vực, chú trọng đào tạo các ngành nghệ thuật, tiếng Nhật, tiếng Hàn, kỹ năng nghề.
Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh phát động và làm tốt 3 phong trào gắn với lợi ích chung và từng người: Phong trào bảo vệ môi trường; phong trào học ngoại ngữ để nâng cao sức cạnh tranh về lao động; phong trào chuyển đổi số.
Thủ tướng cơ bản đồng ý về chủ trương với các đề xuất của tỉnh, giao các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để triển khai các công việc cụ thể, khẩn trương xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.