Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về mặt nguyên tắc đối với Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) biểu quyết tán thành, UBTVQH đã nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc đối với Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN).

2bcd75706576bf28e667.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu góp ý vào Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Ảnh: VPQH

Như tin đã đưa, tại phiên họp sáng 13/2, UBTVQH đã xem xét thông qua Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Trên cơ sở Tờ trình của KTNN và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN; đánh giá cao sự chuẩn bị Hồ sơ Dự án Pháp lệnh của KTNN và cơ quan thẩm tra trình UBTVQH xem xét. Đồng thời, các ý kiến cũng góp ý, làm rõ thêm một số nội dung lớn trong Dự thảo Pháp lệnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc ban hành Pháp lệnh là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN. Bởi thực tế, KTNN đã hoạt động gần 30 năm nhưng cho đến nay chưa có văn bản nào quy định nào về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cơ bản nội dung Dự thảo Pháp lệnh được quy định tương đối tốt. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện để ban hành. Ban hành Pháp lệnh sớm ngày nào thì có ý nghĩa với hoạt động KTNN ngày đó.

Để đảm bảo tính khả thi của Pháp lệnh sau khi được ban hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ phạm vi của quy định xử phạt này, xử phạt ai, hành vi nào xử phạt theo quy định này, hành vi nào xử phạt theo quy định pháp luật có liên quan; biện pháp khắc phục hậu quả...

Cùng với đó, cần nghiên cứu, quy định kỹ lưỡng về mức độ vi phạm, hành vi vi phạm, đảm bảo phải ngang bằng với nhau về quyền và trách nhiệm giữa người thực thi nhiệm vụ kiểm toán, của các đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đánh giá cao và cơ bản đồng tình với nội dung của Dự thảo Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Pháp lệnh được ban hành sớm sẽ là công cụ góp phần xác lập, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách và đặc biệt là trong lĩnh vực KTNN, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Để đảm bảo tính khả thi, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao cho KTNN xây dựng, hoàn thiện các văn bản để thực hiện Pháp lệnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Dự thảo pháp lệnh đã cơ bản đầy đủ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Tuy nhiên, bà Nga đề nghị làm rõ thêm hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu và hành vi từ chối cung cấp thông tin, tài liệu; hành vi không trả lời và hành vi từ chối trả lời, cũng như làm rõ về mức phạt giữa các hành vi này.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề các Ủy viên UBTVQH nêu, đồng thời cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của UBTVQH để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc UBTVQH xem xét Tờ trình của KTNN để ban hành Pháp lệnh là đúng thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN và Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Pháp lệnh, đồng thời có báo cáo tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề UBTVQH đã nêu.

66670ea196a74cf915b6.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí thông qua về mặt tắc đối với Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Ảnh: VPQH

Trong đó, cần làm rõ về phạm vi xử phạt của Dự thảo Pháp lệnh trong mối quan hệ giữa Pháp lệnh này với hệ thống pháp luật liên quan, pháp luật về xử lý đối với cán bộ, công chức; làm rõ tính khả thi của các quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt, bảo đảm sự cân đối, công bằng, ngang bằng về quyền và trách nhiệm giữa chủ thể đi kiểm toán và đơn vị được kiểm toán, không áp đặt. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải trên cơ sở các quy định của pháp luật và các quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần hoàn thiện các quy định pháp lý để làm căn cứ áp dụng Pháp lệnh, cần nêu rõ để thực hiện Pháp lệnh này thì cần ban hành những văn bản nào. Đồng thời, cần giải trình rõ hơn về các biện pháp khắc phục hậu quả...

Sau khi Dự thảo Pháp lệnh được tiếp thu, hoàn thiện sẽ trình lấy ý kiến UBTVQH bằng văn bản. Trên cơ sở sự đồng thuận của UBTVQH sẽ trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 2/2023 và Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/5/2023.

Với tinh thần đó, tại phiên họp, 100% Ủy viên UBTVQH đã tán hành thông qua về mặt nguyên tắc đối với Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN./.

Cùng chuyên mục
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về mặt nguyên tắc đối với Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước