
Báo cáo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 4/12, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nền kinh tế của cả nước và của tỉnh chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế nội tại càng bộc lộ rõ hơn trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Trong bối cảnh đó, năm 2024, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng; 14/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã được thực hiện đạt và vượt kế hoạch (trong đó có 8 chỉ tiêu thực hiện vượt kế hoạch đề ra), 4/18 chỉ tiêu tiệm cận với kế hoạch đề ra. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 5,97% so với năm 2023, GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,2 triệu đồng.
Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế; vụ Đông Xuân và Hè Thu được mùa, năng suất và sản lượng lúa đạt cao nhất từ trước đến nay, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 31 vạn tấn, vượt 10,7% kế hoạch. Thương mại dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt trên 12,8%.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 4.360 tỷ đồng, vượt 12% dự toán địa phương và dự toán Trung ương và tăng 14% so cùng kỳ năm 2023. Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 8,5%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn (giá hiện hành) đạt 25.353 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm trước và bằng 95,6% kế hoạch đề ra. Lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước tăng 48,4% so với cùng kỳ.
Nhiều dự án trọng điểm được khởi công, tổ chức thi công và có chuyển biến tích cực như: Khu bến cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp Quảng Trị, Cảng Hàng không Quảng Trị, Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà. Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả. Công tác quy hoạch được chú trọng triển khai và đạt nhiều kết quả.
Công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ vậy, trong năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút được 40 dự án với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần về tổng vốn đăng ký so với năm 2023.
Về nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2025, Quảng Trị đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Theo đó, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được tỉnh đặt ra là: Phấn đấu tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn (theo GRDP) tăng 6,5-7% so với năm 2024, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,5-10%; khu vực dịch vụ tăng 6,5-7%... GRDP bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 27.500 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 4.965 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 28 vạn tấn; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 37.000 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 14.000 lao động...