Quảng Trị: Tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

(BKTO) - Với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cao, số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng tăng, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng phân tích thông tin dữ liệu, tăng cường công tác giám định nhằm kiểm soát việc gia tăng chi phí KCB bất hợp lý - ông Phan Nhật Thành - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị chia sẻ.

8d618d7c986732396b76.jpg
BHXH tỉnh Quảng Trị chú trọng công tác giám định, nhằm kiểm soát việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT bất hợp lý. Ảnh: ANH THƯ

Thưa ông, là địa phương tập trung đông đối tượng chính sách (người có công, đồng bào dân tộc thiểu số…), ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách BHYT tại địa phương?

Những năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT tại Quảng Trị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các Sở, Ban ngành, đoàn thể, địa phương. Sự đồng thuận của hệ thống chính trị đã giúp chính sách BHYT đi sâu vào đời sống, từng bước khẳng định vai trò trụ cột trong mục tiêu chăm lo và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời, công tác truyền thông về chính sách BHYT luôn được quan tâm, đổi mới cả về nội dung và hình thức đã giúp mọi người dân được tiếp cận, đăng ký tham gia và nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh.

Cùng với đó, việc hỗ trợ đóng cho các nhóm người tham gia BHYT theo quy định của Nhà nước được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối với người có công, người đồng bào dân tộc thiểu số... khi tham gia BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã tham mưu cho chính quyền địa phương hỗ trợ thêm 30% mức đóng cho người thuộc hộ cận nghèo khi tham gia BHYT; phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh nâng mức hỗ trợ đóng cho nhóm học sinh sinh viên; người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình khi tham gia BHYT, giúp người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được tiếp cận và tham gia thụ hưởng chính sách BHYT.

BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ và các dịch vụ y tế, đảm bảo quyền lợi của người dân khi đi KCB BHYT; không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số và căn cước công dân gắn chíp khi đi KCB thay thế thẻ BHYT giấy; liên thông dữ liệu KCB BHYT với 100% cơ sở KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành BHXH, bảm đảm công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT…

Hết năm 2023, tổng chi phí KCB BHYT tại Quảng Trị ước tăng khoảng 11% so với dự toán được giao, ông có thể thông tin rõ hơn nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí KCB?

Quảng Trị hiện có khoảng 631.280 người tham gia BHYT, chiếm 96,5% dân số - vượt 1,35% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2023, BHXH tỉnh đã triển khai KCB BHYT tại 151 cơ sở y tế (7 cơ sở KCB tuyến tỉnh, 23 cơ sở KCB tuyến huyện và 121 cơ sở y tế tuyến xã); tổ chức ký hợp đồng KCB BHYT với 9 cơ sở y tế tư nhân, 1 cơ sở y tế Công an và 1 cơ sở y tế thuộc lực lượng quân đội; tạo ra sự đa dạng trong tổ chức mô hình KCB, giúp người dân tham gia BHYT có nhiều sự lựa chọn hơn trong quá trình KCB BHYT.

Với tỷ lệ bao phủ BHYT cao, dự kiến chi KCB BHYT năm 2023 tại Quảng Trị khoảng 620 tỷ đồng (vượt 11% dự toán giao). Việc gia tăng chi phí KCB BHYT có nhiều nguyên nhân. Qua phân tích dữ liệu cho thấy, tình trạng cơ sở KCB gia tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…), thủ thuật (nhất là các dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền, phục hồi chức năng); cơ sở KCB kê thêm giường bệnh, dẫn đến việc gia tăng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú quá mức cần thiết. Cùng với đó là tình trạng kéo dài ngày điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh. Nhiều trường hợp hồ sơ bệnh án ghi nhận tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể cho ra viện trong ngày, nhưng cơ sở KCB vẫn kéo dài ngày nằm viện của người bệnh đến hôm sau hoặc qua thứ Bảy, Chủ nhật rồi mới cho ra viện…

Bên cạnh đó, việc thực hiện điều trị nội trú ban ngày tại các cơ sở KCB y học cổ truyền (YHCT) theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BYT tại các cơ sở KCB vẫn chưa được nghiêm túc thực hiện. Tại một số cơ sở KCB, tỷ lệ số ngày giường ban ngày/tổng số ngày giường khoa YHCT rất thấp. Điển hình như: Trung tâm y tế (TTYT) thị xã Quảng Trị (20,8%); TTYT Cam Lộ (21,5%); TTYT Đakrông (14%); TTYT Hải Lăng (8,2%); TTYT Đông Hà (7,3%); TTYT Gio Linh (7,7%)… Thậm chí, TTYT Triệu Phong cơ sở 2 không thanh toán ngày giường ban ngày YHCT và TTYT Hướng Hóa chỉ thanh toán 20 ngày giường ban ngày YHCT/tổng số 1.011 ngày giường khoa YHCT (chiếm 1,9%).

Ngoài ra, cơ sở KCB xây dựng danh mục và lựa chọn các thuốc đa chất trúng thầu có giá thành cao, trong khi đó các thuốc đơn chất không xây dựng hoặc xây dựng số lượng hạn chế. Một số thuốc có dạng bào chế, đóng gói phù hợp cho trẻ em nhưng vẫn được cơ sở chỉ định sử dụng cho người lớn làm tăng chi phí điều trị. Một số thuốc có phổ kháng khuẩn hẹp như Cloxacilin giá thành cao được hầu hết các cơ sở KCB tuyến huyện xây dựng và sử dụng với số lượng nhiều, tuy nhiên các kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng như Cefotaxin, Ceftazidin… hầu như không sử dụng…

Mặt khác, trong năm 2023 số lượng bệnh nhân đến KCB BHYT trên toàn tỉnh tăng 14,5% so với năm 2022; tăng giá viện phí từ ngày 17/11/2023 theo quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT. Đặc biệt, từ tháng 11/2023, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị triển khai khu xạ trị cho bệnh nhân ung thư (trước đây chuyển lên tuyến trên điều trị).

Từ những nguyên nhân được chỉ ra, cơ quan BHXH đã và đang triển khai những giải pháp nào nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT, thưa ông?

Trên cơ sở dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và cơ sở KCB tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá tình hình và phân bổ số chi KCB BHYT tại từng cơ sở y tế để các cơ sở này quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được giao. Hàng quý, BHXH tỉnh báo cáo tình hình thực hiện dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, phân tích cụ thể những nguyên nhân vượt dự toán báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp xử lý nhằm hạn chế việc gia tăng chi phí KCB BHYT chưa hợp lý tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt, trên cơ sở phân tích, đánh giá dữ liệu của Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến gửi về; cơ quan BHXH tỉnh thường xuyên phân tích, đánh giá số liệu, dữ liệu KCB BHYT tại Hệ thống thông tin giám định để kịp thời phát hiện các cơ sở KCB gia tăng chi phí KCB BHYT bất thường; xác định nguyên nhân và thông tin, cảnh báo để cơ sở KCB kịp thời chấn chỉnh, góp phần kiểm soát việc gia tăng chi phí KCB bất hợp lý.

Cùng với đó, cơ quan BHXH cũng tăng cường công tác giám định; kiểm tra thường kỳ và đột xuất sự có mặt của người bệnh BHYT đang điều trị nội trú tại các cơ sở KCB; phân tích, đánh giá, dự báo số liệu chi KCB BHYT hàng quý; đặc biệt chú trọng kiểm tra đột xuất tại các cơ sở y tế có chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường, chi phí vượt nguồn kinh phí dự kiến giao cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Quảng Trị: Tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế