Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 09/11, với 90,49% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%.

toan-canh911.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Thể hiện quyết tâm tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước năm 2024 tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, khó đoán định, việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5 - 6%.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở ước thực hiện GDP năm 2023 dự kiến đạt trên 5% và dự báo bối cảnh thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến kinh tế nước ta, dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6 - 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời, để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2024. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong công tác điều hành cần chủ động hơn nữa để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, linh hoạt, chủ động, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.

thanh11.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: VPQH

Về ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở, động lực và các điều kiện để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6,5%, UBTVQH nêu rõ: Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo UBTVQH, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới còn hiện hữu, tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, cũng có những thuận lợi, cơ hội và thời cơ.

Các động lực tăng trưởng về đầu tư (đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Những khó khăn, thách thức lớn cơ bản đã được nhận diện, tập trung tháo gỡ; các vấn đề tồn đọng tiếp tục được tập trung xử lý hiệu quả, nhất là về doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh đưa vào khai thác…

Cùng với đó, hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Đây là những tiền đề, yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khoảng 6 - 6,5%, nhằm đạt được cao nhất mục tiêu cả giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng

Tại Nghị quyết, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị.

Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024:

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD.

3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%.

6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.

8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.

10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.

12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.

13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.

14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Đồng thời, nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường năng lực phân tích dự báo, nắm chắc tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả với các vấn đề mới phát sinh.

Quốc hội cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.

Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý thu ngân sách nhà nước chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép…

Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng…

Cùng chuyên mục
Quốc hội chốt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%