Thế nào là chi thường xuyên, chi đầu tư: Vẫn bế tắc
Tại phiên chất vất chiều 06/11, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn TP. Đà Nẵng) nêu vấn đề: Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và pháp luật chuyên ngành có những quy định về việc sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy vậy, điểm a, điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công có nội dung quy định tính chất của dự án đầu tư công. Nội dung này dẫn tới cách hiểu cho rằng, toàn bộ các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp... đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật NSNN và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công. Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các kỳ họp trước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là một vướng mắc cần sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện một cách chính xác và yên tâm. Bởi, khoản 2 Điều 6 Luật Đầu tư công quy định, kể cả xây dựng mới, kể cả nâng cấp, sửa chữa và mở rộng về tài sản công đều đưa vào Luật Đầu tư công và được xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Nếu những chương trình, dự án và các nguồn kinh phí không được đưa vào Luật Đầu tư công, mặc dù vẫn là NSNN thì “sẽ sai quy định”. Cho nên hiện nay, thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn đang bế tắc và thực tế đã tạo nên vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, theo ông Phớc, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định: Những dự án công nghệ thông tin dưới 15 tỷ đồng thì được dùng chi thường xuyên. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện Nghị định này còn vướng mắc do không biết phần đầu tư có phải lập dự án đầu tư hay có phải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn hay không. “Để giải quyết những vướng mắc này, vừa qua, Bộ Tài chính đã 3 lần trình. Một lần trình Chính phủ chưa có sự đồng thuận cao cho nên Bộ chưa trình UBTVQH và hai lần đã trình UBTVQH nhưng cũng chưa được trình ra Quốc hội” - ông Phớc cho hay.
Trả lời chất vấn nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vướng mắc không hẳn từ Luật Đầu tư công mà cả Luật NSNN. Các dự án sửa chữa, nâng cấp hiện nay vẫn đang triển khai bình thường, không có vướng mắc, chỉ có dự án đầu tư mới thì phải thực hiện theo quy trình Luật Đầu tư công. “Hiện, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét cho phép các dự án dưới 15 tỷ đồng thì được thực hiện từ chi thường xuyên” - ông Dũng cho biết.
Vướng mắc phát sinh từ Thông tư số 65/2021/TT-BTC
Làm rõ thêm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin: Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã khẳng định và Quốc hội đã có văn bản trả lời Chính phủ là trong thực tiễn cũng như trong quy định pháp luật, không có quy định mức chi phí thường xuyên và chi đầu tư căn cứ vào giá trị số tiền. “Không phải từ 15 tỷ đồng trở lên là đầu tư công mà dưới 15 tỷ đồng là chi thường xuyên. Chúng ta chi lương hàng trăm nghìn tỷ, chi cho giáo dục đào tạo hàng trăm nghìn tỷ đều là chi thường xuyên. Đó là tính chất của các khoản chi chứ không phải là giá trị của các khoản chi” - ông Huệ chỉ rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các cơ quan Quốc hội nói rằng không có vướng mắc trong Luật Đầu tư công, yêu cầu Chính phủ rà soát lại Luật NSNN xem có vướng mắc gì không song kết quả sau rà soát cũng kết luận không có vướng mắc. Do đó, Quốc hội đã đưa Nghị quyết đặc thù về chi thường xuyên và chi đầu tư ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. “Bây giờ, nếu Chính phủ và các Bộ thấy rằng trách nhiệm giải thích pháp luật của UBTVQH như thế nào thì phải có đề xuất” - ông Huệ đề nghị.
Lý giải rõ hơn vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết: Luật Đầu tư công 2014, sửa đổi năm 2019 không có điều khoản nào liên quan đến vấn đề này. Luật NSNN 2015 cũng không quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho công tác sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, sau khi 2 Luật này có hiệu lực, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn. Mọi việc phát sinh từ ngày 15/9/2021, thời điểm Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công có hiệu lực. Thông tư này không điều chỉnh việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản nhưng lại bãi bỏ Thông tư số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí cho các công việc sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên. Trong năm 2022, các địa phương, Bộ, ngành đều gặp khó khăn với vấn đề này, vì thiếu cơ sở pháp lý và căn cứ để lập dự toán, thanh toán và thực hiện các khoản chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng.
Ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, Điều 6 Luật Đầu tư công chỉ nhằm phân loại dự án chứ không phải định nghĩa dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, UBTVQH đã khẳng định, không cấm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản chi có tính chất đầu tư. Ông Mạnh bày tỏ đồng thuận với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đề nghị UBTVQH giải thích pháp luật theo đúng quy định tại Chương XIV Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó Bộ Tài chính có căn cứ để sửa lại Thông tư trên.
Đồng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách về những vướng mắc xuất phát từ Thông tư số 65/2021/TT-BTC, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) nêu thực tế: “Trong khi chúng ta đang tranh luận ở đây thì là thời điểm lập dự toán, phân bổ ngân sách năm 2024, việc sửa chữa và nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm theo thủ tục đầu tư công. Nếu làm theo chi thường xuyên thì gần như chắc chắn phải tìm cách “lách” để có cái tên ít bị để ý đến cho việc giải trình nhỏ to với cơ quan chức năng nếu bị hỏi tới. Đây là một trong những ví dụ cụ thể của tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm những việc cần phải làm”.
Đại biểu Trần Hữu Hậu đồng ý quan điểm về việc nên có giải thích pháp luật hoặc có văn bản đóng dấu như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội để không cơ quan nào có thể bắt bẻ các địa phương trong hoạt động chi thường xuyên. Đặc biệt, để chặt chẽ hơn, ông Hậu đề xuất đưa lại nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào luật và cần sửa Luật NSNN, Luật Quản lý tài sản công và Luật Đầu tư công. “Chúng ta có thể đề nghị xem xét sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có thể trình Quốc hội thông qua một luật sửa nhiều luật về chỉ một nội dung, một vấn đề hoặc một vài vấn đề nhưng đi ngay vào cuộc sống” - đại biểu kiến nghị.
Chốt lại vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đóng dấu, ký tên văn bản này để gửi cho các cơ quan có liên quan. Trong trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ mà yêu cầu giải thích thì UBTVQH mới giải thích pháp luật. Còn nếu nghị định, thông tư không phù hợp với Luật thì phải sửa nghị định và thông tư./.