Trước đây, để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, các nhà lãnh đạo của TP. Hồ Chí Minh đã dũng cảm đứng ra bảo vệ những người dám vượt qua hệ chuẩn, hay còn được gọi là dám “xé rào”. Câu nói nổi tiếng được nhiều người nhắc mãi là: “Chị cứ mua với giá cao, nếu chị bị đi tù thì tôi đi đưa cơm”. Đó là câu nói của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực TP. Hồ Chí Minh, khi bà Ba Thi đề xuất mua gạo từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ với giá thị trường để cung ứng cho Thành phố. Đề xuất này đã bị một số người phản đối, vì cho rằng mua gạo với giá thị trường là vi phạm quy định của Nhà nước.
Một câu nói khác cũng rất nổi tiếng là của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Cứ khoán sản phẩm đi, nếu có chuyện gì thì tôi đi cùng. Tôi đi tù quen rồi!”. Đây là câu nói này của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam vào năm 1988. Lúc đó, việc thực hiện khoán sản phẩm đang gặp phải sự phản đối của một số người, vì cho rằng việc này là vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế.
Sự “xé rào” của TP. Hồ Chí Minh trong những năm 80 của thế kỷ trước đã được Trung ương chấp nhận và các nhà lãnh đạo ủng hộ sự “xé rào” vẫn được cất nhắc lên những vị trí cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự “xé rào” của TP. Hồ Chí Minh đã được chấp nhận vì khi đó chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật đầy đủ, những nguyên tắc cơ bản của pháp quyền chưa được xác lập chặt chẽ như hiện nay. Điều này quả đúng là như vậy! Nhưng cũng đúng không kém là chúng ta lại đang đối mặt với một thời đại khi “xé rào” lại trở nên vô cùng cần thiết. Đó là thời đại của Cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt là của Cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).
Để không phá vỡ thể chế, đồng thời thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chúng ta cần tiếp nhận một công cụ pháp lý mà nhiều nước trên thế giới đang sử dụng. Đó chính là quy chế thử nghiệm Sandbox (Hộp cát thử nghiệm).
Quy chế Sandbox là một quy chế pháp lý cho phép những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá thí điểm các ý tưởng, các giải pháp và cách làm mới tách khỏi môi trường thể chế hiện tại. Do được tách khỏi môi trường thể chế như trong một Sandbox, nên các cán bộ, công chức này sẽ không bị các quy định trùng trùng, điệp điệp của hệ thống pháp luật hiện tại cản trở hoặc gây ra những khó khăn, ách tắc không thể vượt qua.
Quy chế Sandbox là một công cụ pháp lý do Nhà nước hỗ trợ được thành lập theo luật, tạo ra một môi trường kiểm soát với các quy định linh hoạt để thử nghiệm, phát triển và triển khai các công nghệ, sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh sáng tạo có thể chưa tuân thủ các khung quy định hiện hành. Lợi ích của quy chế Sandbox là:
1. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Bằng cách loại bỏ các rào cản pháp lý, quy chế Sandbox khuyến khích các cán bộ, công chức và các doanh nghiệp dám mạo hiểm và phát triển các giải pháp đột phá.
2. Hoàn thiện pháp luật. Dữ liệu và phản hồi từ các thử nghiệm theo quy chế Sandbox có thể giúp các cơ quan quản lý xây dựng các quy định hiệu quả và phù hợp hơn cho thời đại mới và các công nghệ mới nổi.
3.Bảo vệ công chúng. Mặc dù các quy định được nới lỏng, nhưng chúng không hoàn toàn bị bãi bỏ. Các cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các thử nghiệm theo quy chế Sandbox và đảm bảo an toàn cho người dân.
Sandbox được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, ví dụ Trung tâm Đổi mới của Cơ quan Kiểm soát Tài chính Vương quốc Anh (FCA) cung cấp một môi trường hộp cát để thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới; Lễ hội FinTech Singapore tổ chức Hackathon FinTech Toàn cầu, cung cấp một không gian Sandbox cho các nhà phát triển để xây dựng và thử nghiệm các giải pháp tài chính sáng tạo; Chương trình Thiết bị đột phá của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép phát triển và phê duyệt nhanh chóng các thiết bị y tế sáng tạo có khả năng cải thiện đáng kể việc chăm sóc bệnh nhân…
Nhìn chung, quy chế Sandbox cung cấp một cách tiếp cận giúp chúng ta phản ứng kịp thời với bối cảnh mới luôn luôn thay đổi. Bằng cách tạo ra một không gian an toàn để thử nghiệm và học hỏi, Sandbox có thể giúp chúng ta khai thác sức mạnh của các công nghệ mới để giải quyết một số thách thức cấp bách nhất của đất nước. Vấn đề là chúng ta cần sớm ban hành một khung pháp lý cho quy chế Sandbox của Việt Nam./.