Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược

(BKTO) - Nhiều chủ trương, quyết sách tại Hội nghị Trung ương (T.Ư) 6, khóa XIII vừa qua đã được cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm, bày tỏ sự ủng hộ cao. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tổng thể quốc gia) có ý nghĩa quan trọng đối với cả T.Ư và từng địa phương.




Định hình diện mạo của quốc gia trong tương lai

Quy hoạch tổng thể quốc gia là Quy hoạch lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, vừa khó khăn, vừa phức tạp và chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu làm tốt thì đây sẽ là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể; qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.

Tại Hội nghị T.Ư 6, khóa XIII, Chính phủ đã trình T.Ư cho ý kiến về Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Qua thảo luận, các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong Quy hoạch lần này, T.Ư cho rằng cần tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Quy hoạch cũng hướng tới phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các “đầu tàu” lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Theo chương trình, sau khi tiếp thu ý kiến của T.Ư tại Hội nghị lần thứ 6, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia trong thời gian sớm nhất.

Phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên

Trao đổi với báo chí, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Văn Ý cho rằng, trong 5 nội dung thảo luận tại Hội nghị T.Ư 6, nội dung về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ở cấp T.Ư, kế hoạch hằng năm và dài hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm hay 30 năm đã có, nhưng Quy hoạch tổng thể quốc gia về một thời kỳ, từ khi thành lập Đảng đến nay, lần này chúng ta mới bàn tới. Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc rất cần thiết, có ý nghĩa chiến lược trước mắt cũng như lâu dài.

Nội dung này rất đúng, trúng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhiều cán bộ, đảng viên các cấp. Bởi khi chưa có Quy hoạch tổng thể, mỗi địa phương thường làm theo cách hiểu của mình, thiếu sự liên kết giữa địa phương với các vùng, giữa địa phương với toàn quốc để có thể phát huy được lợi thế của từng địa phương vào sự phát triển chung của đất nước, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy huyện Ia Pa (Gia Lai) Nguyễn Minh Trưởng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề mới, rất hệ trọng và phức tạp, nhưng cũng là xu thế tất yếu trong quá trình đổi mới, phát triển của nước ta hiện nay và trong tương lai. Hội nghị T.Ư 6 đã tập trung đánh giá tình hình phát triển và tổ chức không gian phát triển của đất nước giai đoạn 2011-2020 và làm rõ những hạn chế trong thực tiễn. Việc định hướng không gian theo vùng, lãnh thổ để xây dựng cơ chế đặc thù là vô cùng quan trọng trong xu thế phát triển chung. Trong đó, định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới quốc gia... là bước đột phá lớn, kịp thời và có ý nghĩa nhiều mặt.

Liên quan đến nội dung về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, T.Ư coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ. Để xây dựng được một Quy hoạch tổng thể quốc gia có chất lượng và tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, cần phải dựa trên nguyên tắc: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng vùng nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiều tiềm năng lợi thế cho phát triển, nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao, để hình thành cho được những vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, bền vững và có hiệu quả cao. Sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…/.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược