Quy hoạch tổng thể quốc gia: Xác định phạm vi, giải pháp để tránh quy hoạch treo

(BKTO) - Sáng 06/01, phát biểu thảo luận ở Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh: Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm phù hợp với thực trạng. Đặc biệt, cần rà soát các định hướng, giải pháp và giới hạn phạm vi, tập trung các nội dung chủ yếu triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 để đảm bảo tính khả thi.

060120231204-cqh_2822.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận tại Tổ sáng  06/01. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Xác định lại quy mô, phạm vi quy hoạch và kịch bản tăng trưởng

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà nêu rõ, theo Luật Quy hoạch, một trong những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phải có phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên; phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển quốc gia để có căn cứ xây dựng quy hoạch giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ, việc đưa ra các định hướng phát triển, các nội dung liên quan theo yêu cầu chưa đầy đủ. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm.

Đại biểu cũng chỉ rõ, Báo cáo tổng hợp Quy hoạch còn nhiều thông tin, số liệu và định hướng còn mâu thuẫn và chưa phù hợp với phân tích, đánh giá thực trạng và thực tế triển khai trong thời gian qua.

Đáng chú ý, đại biểu đề nghị xem xét, xác định lại quy mô, phạm vi của Quy hoạch này cho phù hợp. Bởi theo quy định của Luật Quy hoạch và đề nghị của Chính phủ, đây là quy hoạch cho 10 năm, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhưng trong nội dung Báo cáo đang xây dựng quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030 và cả đến năm 2050. Đồng thời chưa rõ nội dung nào cần đạt được đến năm 2030 và nội dung nào đến năm 2050.

“Tôi đề nghị xem xét giới hạn lại phạm vi của quy hoạch này, chỉ giới hạn cho giai đoạn 2021-2030. Tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu mong muốn để làm cơ sở trong giai đoạn 2021-2030 chuẩn bị các điều kiện thực hiện cho quy hoạch giai đoạn sau. Cần khắc phục tình trạng quy hoạch treo, đưa ra không thực hiện được hoặc không rõ ràng có thể thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 hoặc sau năm 2030. Như vậy sẽ rất khó xây dựng được giải pháp, nguồn lực phù hợp để thực hiện đạt mục tiêu đề ra” - đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phân tích.

Góp ý một số nội dung cụ thể về quy hoạch cho giai đoạn tới, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, xem xét lại các nội dung quy hoạch bảo đảm phù hợp với thực trạng và tính khả thi.

“Trong lĩnh vực năng lượng, hiện nay đánh giá về trữ lượng dầu khí, trữ lượng đã phát hiện và trữ lượng các mỏ đang khai thác của chúng ta đã tới hạn, việc khai thác dầu khí của chúng ta trong các năm gần đây đã giảm mạnh, rất khó khăn để mở mới, tăng thêm trữ lượng. Nhưng trong định hướng vẫn tiếp tục đề nghị phải đẩy mạnh khai thác dầu khí thì chưa rõ căn cứ, tính khả thi ra sao? Đề nghị làm rõ nội dung này” - đại biểu dẫn chứng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng bày tỏ băn khoăn khi Báo cáo của Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng song chưa làm rõ căn cứ, cơ sở tính toán.

Đại biểu phân tích, các chỉ tiêu đến năm 2030 đang bám sát theo chỉ tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045. Các chỉ tiêu được xây dựng khi tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước phát triển tương đối tốt. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tình hình đã khó khăn hơn rất nhiều. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030 bình quân khoảng 7%, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều. Việc tiếp tục đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng đến năm 2050 rất cao và chưa có căn cứ, cơ sở tính toán cụ thể đối với các chỉ tiêu này là vấn đề cần cân nhắc.

“Tôi đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết không nên đưa các chỉ tiêu đến năm 2050 mà chỉ nên tập trung vào các chỉ tiêu cho giai đoạn 2021-2030 để bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đúng yêu cầu của quy hoạch 10 năm” - đại biểu nêu quan điểm.

Làm rõ danh mục dự án quan trọng quốc gia để tránh quy hoạch treo

Liên quan đến đầu tư và danh mục các dự án quan trọng quốc gia trong Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà lưu ý, theo quy định của Luật Quy hoạch, trong quy hoạch tổng thể quốc gia phải có danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, trong Báo cáo Quy hoạch tổng thể lần này lại đưa ra cả chương trình, danh mục dự án quan trọng của quốc gia.

“Chúng tôi đề nghị làm rõ nội dung chương trình, danh mục dự án này là như thế nào? Vì trong danh mục kèm theo có nhiều chương trình, dự án không phải là dự án quan trọng quốc gia theo phân loại đã được quy định trong Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư. Nhiều chương trình, dự án nêu trong Báo cáo và Dự thảo Nghị quyết không phù hợp quy định của Luật Quy hoạch”- đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà chỉ rõ.

Ngoài ra, Luật quy hoạch quy định phải sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, song trong Báo cáo và Dự thảo Nghị quyết lại đề nghị thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án quan trọng sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét cụ thể tùy thuộc vào khả năng cân đối nguồn lực là chưa đúng yêu cầu của Luật. “Chúng ta thực hiện nội dung này liệu có dẫn đến câu chuyện có quy hoạch treo không?" - nữ đại biểu đặt vấn đề.

Thực tế trong thời gian qua đã có rất nhiều dự án đầu tư công, cũng như những dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và các dự án sử dụng vốn của các thành phần kinh tế khác có quy mô lớn đều triển khai, thực hiện rất chậm. Nhiều dự án thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ, chậm 10 năm và có những dự án chậm 18-20 năm, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đưa vào nội dung Quy hoạch này. Tôi đề nghị cần phải xem xét lại, bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Quy hoạch

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng kiến nghị rà soát kỹ tính khả thi, khả năng thực hiện một số dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, các dự án quan trọng quốc gia đã đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025 hoặc đưa vào chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021-2025 mới có khả năng thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2030; còn các dự án chưa chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 khó có thể khả thi, khó hoàn thành.

Bên cạnh đó, các giải pháp nguồn lực để thực hiện Quy hoạch cũng cần tiếp tục rà soát để đảm bảo khả thi, phù hợp thực tế.

Đại biểu nêu rõ: Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã tích cực thực hiện cơ cấu chi ngân sách nhà nước (NSNN), ưu tiên dành tỷ trọng cho đầu tư rất lớn. Trong giai đoạn tới, Chính phủ tiếp tục đề nghị cơ cấu lại chi NSNN, tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư. Đây là vấn đề cần cân nhắc. Thời gian tới và tương tự như các nước khác, chi thường xuyên cần bảo đảm cho các hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện an sinh xã hội cũng là mục tiêu để phát triển.

Vấn đề tiếp theo được nữ đại biểu nêu lên là, chúng ta đặt mục tiêu huy động vốn vay nước ngoài với điều kiện lãi suất ưu đãi phù hợp, hiệu quả, tập trung một số lĩnh vực chủ chốt, then chốt. Đại biểu cho rằng, mục tiêu này rất đúng nhưng có khả thi hay không thì cần xem xét thêm, nhất là trong bối cảnh tình hình lạm phát thế giới tăng cao, lãi suất, lãi vay vốn nước ngoài hiện ở mức rất cao…/.

Cùng chuyên mục
Quy hoạch tổng thể quốc gia: Xác định phạm vi, giải pháp để tránh quy hoạch treo