Thể hiện tầm nhìn chiến lược và tính liên kết trong xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia

(BKTO) - Khẳng định tầm quan trọng và sự cấp thiết xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, định hướng và ưu tiên tổ chức không gian các vùng kinh tế, ngành kinh tế quan trọng; đồng thời xác định rõ cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện Quy hoạch này.

f68ae043e8e330bd69f2.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung phát biểu thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: Đ. KHOA

Còn dàn trải, chưa rõ định hướng ưu tiên

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng 06/01, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tổng thể quốc gia).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các đồ án quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng kinh tế - xã hội trọng điểm.

Góp ý vào Báo cáo Quy hoạch của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho biết, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên được triển khai theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Báo cáo Quy hoạch được Chính phủ xây dựng công phu, chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia và các loại quy hoạch khác chưa được xác định rõ.

Về nội dung định hướng và tổ chức không gian các ngành quan trọng, đại biểu cho rằng, việc lựa chọn các ngành ưu tiên hiện còn dàn trải, chưa thể hiện được định hướng ưu tiên. Do đó, cần rà soát, thu hẹp danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, trong đó, cần nghiên cứu, xem xét gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp cơ khí chế tạo; đây là ngành mang tính nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác; đồng thời quy hoạch công nghiệp gắn với các ngành mới mang lại giá trị cao.

Cũng theo đại biểu, việc xác định Danh mục các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia, gồm 38 chương trình, dự án mang tính định hướng chung, chưa dự kiến về thời gian, quy mô, nguồn lực và chưa xác định được thứ tự ưu tiên; chưa rõ sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò, tác động đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nội dung này tại Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện được tầm nhìn, quy mô lớn tầm chiến lược quốc gia, liên kết vùng, phát triển hành lang kinh tế, vùng động lực quốc gia như yêu cầu đặt ra đối với các Dự án quan trọng của quốc gia phải là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, có tác động lớn đến ngành, vùng, đất nước, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, việc xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia phải phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công, nguồn lực xã hội và bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, lãng phí.

“Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nên giới hạn số lượng và xác định được thứ tự ưu tiên để bảo đảm tập trung nguồn lực thực hiện, bảo đảm chất lượng dự án, thể hiện được tầm nhìn, quy mô chiến lược, liên kết vùng, phát triển hành lang kinh tế, vùng động lực quốc gia” - đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) nhận xét, Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia. Trong đó, các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào? Những vấn đề này chưa được đề cập trong Quy hoạch. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.

Đại biểu cũng cho rằng, trong quy hoạch, cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì; ngành nào là xương sống của nền kinh tế và cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao... để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá, định hướng phát triển lĩnh vực, ngành vẫn đang đi theo lĩnh vực của các Bộ, ngành, nhất là định hướng phát triển các ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia. “Cảm giác là chúng ta đang xây dựng một quy hoạch tổng thể quốc gia dựa trên việc gộp quy hoạch của các ngành, các Bộ là chính; chưa thể hiện rõ nét của một Quy hoạch tổng thể quốc gia để làm cơ sở cho việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia như quy định tại Luật Quy hoạch” - đại biểu bày tỏ.

Đồng thời, Quy hoạch cũng chưa thể hiện sự liên kết liên ngành, chưa thể hiện tầm nhìn, định hướng để hình thành hạ tầng xã hội đa ngành, phục vụ nhu cầu đa mục đích của người dân.

Xây dựng chính sách đặc thù cho phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Đề cập đến giải pháp về huy động vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thành Trung bày tỏ đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đề nghị Báo cáo cần nghiên cứu sâu, phân tích kỹ hơn về nội dung này. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng). Đây là con số rất lớn, cần tính toán kỹ để bảo đảm tính khả thi.

e70d7b777fd7a789fec6.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ sáng 06/01. Ảnh: Đ. KHOA

“Tờ trình và Báo cáo đã nêu ra một số giải pháp cơ bản. Đây là các giải pháp đã và đang thực hiện, chưa có giải pháp mới. Với những giải pháp hiện nay thì việc huy động vốn đầu tư đã và đang gặp nhiều khó khăn” - đại biểu băn khoăn.

Đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN), theo Báo cáo, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021- 2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng, cộng thêm vốn từ chương trình phục hồi mới đạt trên 3 triệu tỷ đồng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu NSNN, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực NSNN dành cho đầu tư phát triển hợp lý, sát với thực tế hơn và gắn với an ninh tài chính quốc gia.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Duy (Đoàn Yên Bái) đề nghị tính toán lại về tốc độ tăng trưởng (GDP) chung của cả nước cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng của các vùng. “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xác định GDP là 7%/năm trong khi chỉ tiêu tăng trưởng của 5/6 vùng kinh tế xã hội đều cao hơn mức độ này như: vùng Đông Nam bộ là 8-8,5%/năm; vùng Đồng bằng sông Hồng là 9%/năm; vùng trung du miền núi phía Bắc là 8-9%/năm; vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung là 7-7,5%/năm; vùng Tây Nguyên là 7-7,5%/năm; chỉ có vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn là 6,5-7%/năm, trong khi tỷ trọng đóng góp của vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng trong GDP là rất lớn” - đại biểu phát biểu.

Về giải pháp thực hiện Quy hoạch, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị nghiên cứu, bổ sung giải pháp là xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển các vùng kinh tế trọng điểm cũng như các cơ chế, chính sách về liên kết và kiểm soát phát triển vùng; cơ chế, chính sách để huy động và phân bổ nguồn lực phát triển hạ tầng vùng và hạ tầng liên vùng.

“Trên cơ sở các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các địa phương mà Quốc hội đã ban hành trong thời gian vừa qua, cần có tổng kết, đánh giá và có thể mở rộng theo hướng là chính sách đặc thù cho từng vùng. Như thế sẽ giúp huy động được nguồn lực cũng như có công cụ để kiểm soát, điều tiết phát triển vùng, tạo ra sự liên kết phát triển trong từng vùng và giữa các vùng” - đại biểu nêu rõ./.

Cùng chuyên mục
Thể hiện tầm nhìn chiến lược và tính liên kết trong xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia