Quy trình kiểm toán mới vừa quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm toán vừa tạo thuận lợi cho đơn vị được kiểm toán

(BKTO) - Ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán




Ông Ngô Minh Kiểm

♦ Thưa ông, là Tổ trưởng Tổ soạn thảo Quy trình kiểm toán của KTNN, ông có thể cho biết, vì sao vào thời điểm này, KTNN lại ban hành Quy trình kiểm toán mới?

- Ngày 16/10 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định số 02/2020/QĐ-KTNN ban hành Quy trình kiểm toán của KTNN (Quy trình). Việc ban hành Quy trình ở thời điểm này nhằm hướng dẫn thực hiện một số nội dung mới tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN là Luật số 55/2019/QH14 (Luật KTNN sửa đổi); phù hợp với các quy định của Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN), Hướng dẫn phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu và Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán mới sửa đổi; đảm bảo tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, giảm thủ tục hành chính, đồng thời điều chỉnh một số nội dung không còn phù hợp trong thực tiễn hoạt động kiểm toán.

Tư tưởng xuyên suốt quá trình xây dựng Quy trình là vừa quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm toán vừa đảm bảo chất lượng kiểm toán và cải cách thủ tục hành chính cho cả cơ quan kiểm toán và đơn vị được kiểm toán trong toàn bộ quy trình kiểm toán, từ khâu chuẩn bị đến thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán (BCKT); theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

♦ Vậy xin ông cho biết Quy trình này có những điểm mới nào đáng chú ý?

- So với Quy trình ban hành từ năm 2016, Quy trình này có 3 nhóm vấn đề đổi mới.

Thứ nhất, Quy trình sửa đổi để giảm thủ tục hành chính. Trước hết là những điểm mới trong việc khảo sát, thu thập thông tin. Quy trình quy định: Chỉ yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp thông tin bổ sung thay đổi so với lần kiểm toán trước gần nhất và những thông tin chưa thu thập được từ các hình thức trên. Các phụ biểu thu thập thông tin phải tuân thủ chế độ báo cáo tài chính hiện hành của Nhà nước liên quan đến cuộc kiểm toán; có thể bổ sung một số phụ lục báo cáo tổng hợp cần thiết khác nhưng phải rất hạn chế và thật sự cần thiết. Công tác khảo sát thu thập thông tin phải bảo đảm phục vụ việc lập kế hoạch kiểm toán tổng quát và lập kế hoạch kiểm toán chi tiết. Bố trí nhân sự đoàn khảo sát tinh gọn, tránh gây phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, gắn với dự kiến nhân sự chủ chốt của đoàn kiểm toán. Đề cương khảo sát phải được tổ kiểm soát thẩm định, hoàn thiện trước khi trình kiểm toán trưởng phê duyệt trước khi thực hiện. Đoàn khảo sát phải thực hiện đúng đề cương đã được phê duyệt, giảm thiểu tối đa khảo sát trực tiếp tại đơn vị…

Tiếp theo, Quy trình quy định, kế hoạch kiểm toán chi tiết tại các đơn vị kiểm toán chi tiết phải lập trước khi ban hành quyết định kiểm toán.
Liên quan đến kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, theo Quy trình mới, KTNN chuyên ngành và khu vực chỉ kiểm tra đối với các cuộc kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo tình hình thực hiện hoặc chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng đã thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đối với các cuộc phải kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thì tổ chức đoàn kiểm tra rút gọn, đơn giản; kiểm tra tại đầu mối tổng hợp, thông qua đầu mối đó yêu cầu các đơn vị được kiểm toán chi tiết báo cáo KTNN kết quả thực hiện và gửi kèm bằng chứng đã thực hiện. Chỉ thực hiện kiểm tra tại các đơn vị chi tiết khi đơn vị chưa thực hiện đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo hoặc chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng đã thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán…

Thứ hai, Quy trình sửa đổi phù hợp với quy định mới của Luật KTNN sửa đổi. Vấn đề tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng kiểm toán được lãnh đạo KTNN đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Điều này được cụ thể hóa tại Quy trình như sau: Trong quá trình thực hiện kiểm toán, phải ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, kỹ thuật công nghệ cao để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, bảo mật thông tin theo quy định. Khi thực hiện kiểm toán, nếu cần phải truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải báo cáo trưởng đoàn thực hiện hoặc ủy quyền để thực hiện và chỉ thực hiện khi được trưởng đoàn ủy quyền bằng văn bản. Việc thực hiện phải dưới sự giám sát về phạm vi truy cập, khai thác của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán, tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định.

Về kiểm tra, đối chiếu với các bên liên quan, Quy trình đã bổ sung quy định: Tổ kiểm toán lập kế hoạch kiểm tra, đối chiếu (kèm tờ trình), trình trưởng đoàn phê duyệt và báo cáo kiểm toán trưởng, lãnh đạo KTNN phụ trách đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trước khi thực hiện.

Quy trình bổ sung quy định: Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thực hiện theo trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, đối chiếu, xác minh, điều tra, kiểm định làm rõ vụ việc tham nhũng theo Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của KTNN (Quy trình này đang được KTNN xây dựng) và xử lý theo quy định tại Điều 62 Luật Phòng chống tham nhũng.

Để cụ thể hóa quy định tại Luật KTNN về quyền khiếu nại các kết luận, kiến nghị trong BCKT, thông báo kết quả kiểm toán và thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán, Quy trình đã yêu cầu đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thông báo kết quả kiểm toán tại đơn vị kiểm toán chi tiết và thông báo kết luận, kiến nghị với các bên liên quan phù hợp với BCKT phát hành.

Thứ ba, Quy trình sửa đổi cho phù hợp với CMKTNN, Hệ thống mẫu biểu mới ban hành, tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng kiểm toán.

Quy trình mới quy định: Thu thập thông tin và đánh giá Hệ thống kiểm soát nội bộ theo 5 thành tố phù hợp với quy định tại CMKTNN và thông lệ quốc tế; sửa đổi quy định lập kế hoạch kiểm toán, hướng dẫn đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, xác định trọng yếu kiểm toán, phương pháp thủ tục kiểm toán và lập BCKT phù hợp với CMKTNN, Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán và hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; quy định cụ thể thủ tục thay đổi kế hoạch kiểm toán; quy định BCKT gồm 3 phần, tương ứng với 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động) biên tập theo hướng ngắn gọn, phù hợp với CMKTNN và thông lệ quốc tế, thực hiện đầy đủ chức năng của KTNN theo Luật KTNN.

Ngoài ra, Quy trình còn một số quy định mới tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán: Đề cương khảo sát phải được tổ kiểm soát chất lượng kiểm soát trước khi trình kiểm toán trưởng phê duyệt; các đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng kiểm toán, tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán để bao quát đầy đủ đối tượng phải thực hiện; Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế và Vụ Tổng hợp cùng tham gia thẩm định, xét duyệt kế hoạch kiểm toán và BCKT trước khi phát hành chính thức…

♦ Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả thực hiện Quy trình mới?

- Quy trình được ban hành trên cơ sở nghiên cứu, rà soát những quy định mới từ Luật KTNN sửa đổi, điều chỉnh, cụ thể hóa các nội dung trong từng khâu của quá trình kiểm toán cho phù hợp với CMKTNN và thông lệ quốc tế, tiếp thu những đề xuất, góp ý của các Bộ, ngành và các đơn vị trong Ngành, điều chỉnh những vướng mắc trong hoạt động kiểm toán hiện hành... Điều quan trọng nữa là Quy trình mới được xây dựng trên quan điểm vừa quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm toán vừa giảm thủ tục hành chính cho cả KTNN và đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Chính vì vậy, khi các bên liên quan thực hiện nghiêm Quy trình, điều này sẽ giảm sự phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!

THÙY ANH (thực hiện)
Cùng chuyên mục
  • Nhiều phát hiện nổi bật trong  hoạt động kiểm toán năm 2020
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2020 của KTNN vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 cho biết, năm 2020, hoạt động kiểm toán tiếp tục có những đổi mới về nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện nên hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao. Nhiều phát hiện nổi bật qua công tác kiểm toán đã góp phần quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính công, tài sản công.
  • Australia: Chưa chú trọng công tác khai thác, bảo vệ rừng
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Vừa qua, Ủy ban Quản lý rừng Australia (FSC) đã chỉ định một hãng kiểm toán độc lập xem xét các hoạt động liên quan đến việc khai thác lâm sản, bảo vệ rừng của Công ty VicForests tại bang Victoria.
  • Philippines:  Quản lý chi tiêu thiếu minh bạch, ngân sách cho bảo hiểm y tế bội chi lớn
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ủy ban Kiểm toán Philippines (COA) mới đây đã công bố Báo cáo kiểm toán thường niên 2019. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến những vi phạm của Tập đoàn Bảo hiểm y tế Philippines (PhilHealth) khi chi trả hàng loạt khoản phí cao quá mức quy định cho hầu hết mọi đối tượng bệnh nhân tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước.
  • Lập Kế hoạch kiểm toán hoạt động:  Kinh nghiệm của Canada và bài học cho Việt Nam
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kiểm toán hoạt động (KTHĐ) là lĩnh vực mới được nhiều cơ quan kiểm toán tối cao chú trọng phát triển, trong đó có Văn phòng Kiểm toán Canada. Cơ quan này đã xây dựng được Sổ tay kiểm toán để cụ thể hóa yêu cầu, mục tiêu, phạm vi, kỹ năng chọn vấn đề và phương pháp kiểm toán, đặc biệt là đã hướng dẫn 4 bước quan trọng trong quy trình lập kế hoạch kiểm toán đối với cuộc KTHĐ. Đây là những kinh nghiệm quý mà KTNN có thể học hỏi để áp dụng phù hợp với điều kiện và thực tế của Việt Nam.
  • Linh hoạt lựa chọn phương thức tổ chức kiểm toán chuyên đề
    4 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Những năm qua, các đơn vị kiểm toán, đặc biệt là các KTNN chuyên ngành, đã chủ trì, phối hợp thực hiện thành công nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) quy mô lớn theo mô hình đoàn kiểm toán độc lập hoặc theo đoàn kiểm toán lồng ghép. Trước yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kiểm toán, việc áp dụng linh hoạt phương thức tổ chức kiểm toán nêu trên nhằm đổi mới hoạt động KTCĐ cần phải được tăng cường, chú trọng hơn nữa.
Quy trình kiểm toán mới vừa quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm toán vừa tạo thuận lợi cho đơn vị được kiểm toán