Cục Hải quan TP. Hải Phòng vừa phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện và xử lý lô hàng 1 triệu bao thuốc 555 giả mạo từ Campuchia vào Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Xuất hiện nhiều hành vibuôn lậu, gian lậnthương mại phi truyền thống
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cho biết: Chống buôn lậu là 1 trong 3 chức năng, nhiệm vụ chính của hải quan Việt Nam. Với trách nhiệm được giao, những năm gần đây, lực lượng hải quan đã kiên quyết đấu tranh và kịp thời phát hiện, triệt phá nhiều chuyên án lớn với tổng trị giá hàng hóa vi phạm được thu giữ mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Riêng 5 năm 2015-2019, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 84.362 vụ việc vi phạm. Số tiền thu nộp NSNN là hơn 1.561 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 247 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 571 vụ án hình sự. Kết quả đấu tranh trên mặt trận chống buôn lậu góp phần quan trọng vào chống thất thu ngân sách; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng.
Xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ làm cho chuỗi cung ứng hàng hóa dịch chuyển lớn, kéo theo gia tăng về nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Những tháng đầu năm 2020, dù dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nhưng nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn rất lớn. Đặc biệt, không chỉ là thủ đoạn truyền thống qua kênh bán hàng trực tiếp, gần đây, nhiều hành vi buôn lậu, gian lận thương mại phi truyền thống đã xuất hiện. Đó là các đối tượng tận dụng ưu thế của khoa học công nghệ để buôn lậu qua kênh bán hàng trực tuyến, lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ, đầy đủ liên quan đến xuất xứ hàng hóa nhằm đưa hàng hóa thành phẩm nước ngoài hoặc linh kiện hoàn chỉnh từ nước ngoài vào Việt Nam lắp ráp đơn giản thành thành phẩm để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu…
Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong gần 9 tháng qua, số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi; các đối tượng hoạt động thành các đường dây để buôn lậu, vận chuyển trái phép vào Việt Nam các loại hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...
Với việc chủ động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 8 tháng năm 2020, ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 11.008 vụ vi phạm pháp luật với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.959 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 25 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 76 vụ, thu nộp NSNN hơn 443 tỷ đồng.
Cùng với đó, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới đang rất nóng, đối tượng rất manh động. Ma túy không chỉ được tội phạm vận chuyển qua đường mòn, lối mở như trước mà thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong đó, các đường dây ma túy xuyên quốc gia đã câu kết chặt chẽ với tội phạm trong nước để thành lập DN bình phong nhằm cất giấu, vận chuyển số lượng lớn ma túy qua phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu. 8 tháng năm 2020, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện 158 vụ vi phạm, bắt giữ 130 đối tượng; thu giữ hơn 62kg và 201 bánh heroin; 15,11kg cần sa; 15,7kg thuốc phiện; 22,4kg và 375.029 viên ma túy tổng hợp; 518,8kg ma túy đá. Đáng lưu ý, tháng 7 vừa qua, lực lượng hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác triệt phá đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia qua khu vực biên giới Tây Nam về tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam với khối lượng lớn; thu giữ 160kg ma túy các loại, 19 bánh heroin, bắt giữ trên 20 đối tượng.
Nâng cao hiệu quả đấu tranhphòng, chống buôn lậu,gian lận thương mại
Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ngành hải quan sẽ tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
Tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm soát hải quan. Tập trung thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm xác định các đối tượng, địa bàn trọng điểm, hàng hóa trọng điểm để phát hiện, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tiếp tục bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Bộ Tài chính về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả, từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn.
Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tinh nhuệ, chính quy lực lượng; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế, triệt tiêu nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.
Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nhằm phát hiện, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
MINH ANH