Quyết liệt giải ngân đầu tư công năm 2024

TS. NGUYỄN MINH PHONG | 22/02/2024 05:55

(BKTO) - Thủ tướng đã chỉ thị năm 2024, cả nước phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% và tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc 3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", càng làm càng trưởng thành cả về tư duy, nhận thức, hành động.

10-thay(1).jpg
Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Ảnh: ST

Đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội duy trì động lực, tăng tốc độ và tạo không gian phát triển mới, nhất là cho hạ tầng, công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ; góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế...

Nhìn lại tình hình triển khai đầu tư công các năm qua cho thấy, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm, sự nỗ lực triển khai của các Bộ, ngành, địa phương, nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại từ lâu tại một số dự án đã được tập trung xử lý; nhiều công trình dự án đã được khánh thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư; đa số các dự án mới triển khai, đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trong số những nguyên nhân gây chậm trễ giải ngân đầu tư công có những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, khách quan và chủ quan, nhất thời và kéo dài..., một số nguyên nhân nổi bật là: Sự hạn chế trong công tác chuẩn bị dự án, năng lực nhà thầu và ban quản lý dự án; việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện ở một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa quyết liệt, sâu sát, kịp thời, kỷ cương kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa chặt chẽ, hiệu quả và còn tình trạng né tránh trách nhiệm của cán bộ liên quan; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn chồng chéo, chậm được sửa đổi, bổ sung và áp dụng thiếu thống nhất; sự thiếu hụt nguyên vật liệu thi công, nhất là đối với các dự án giao thông quan trọng quốc gia...

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6-6,5% GDP, với động lực tăng trưởng quan trọng gắn với đầu tư công, mở rộng tiêu dùng nội địa, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp...

Theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn chịu nhiều thách thức và bất ổn liên quan đến sự sụt giảm tổng cầu, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng gắn với gia tăng căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và thiên tai, sự suy thoái kinh tế và thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển... Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6-6,5% GDP, với động lực tăng trưởng quan trọng gắn với đầu tư công, mở rộng tiêu dùng nội địa, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp...

Bởi vậy, để nỗ lực giải ngân đầu tư công năm 2024, cần tập trung đồng bộ hoá các giải pháp rút ngắn tiến độ các công trình, dự án, bảo đảm chất lượng, kỹ/mỹ thuật công trình, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh, cảnh quan môi trường; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sử dụng vốn ODA và liên quan đến định mức, đơn giá, khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng, sử dụng cát biển vào xây dựng các công trình giao thông; động viên khích lệ người lao động và cá nhân hoá trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giám sát, đôn đốc giải ngân theo các quy định của Chính phủ.

Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công theo đúng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công; đảm bảo đúng thứ tự ưu tiên là tập trung bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án quan trọng quốc gia và các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân; kiên quyết điều chuyển số vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự có tiến độ giải ngân tốt và các dự án có tính kết nối và lan toả liên vùng...

Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình, xác định các mốc thời gian hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng với các dự án, gói thầu mới và triển khai các thủ tục tạm ứng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tăng cường tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân cùng thực hiện; tăng cường số hoá và công khai kết quả giải ngân của từng đơn vị gắn với đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ; coi kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, giao vốn, kiểm soát chi; đồng thời, tăng cường hậu kiểm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào quá trình giải ngân đầu tư công.

Về tổng thể, có thể nói, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ đầu tư công không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu, động lực cải thiện tốc độ, hiệu quả tăng phát triển kinh tế và mở rộng đầu tư xã hội năm 2024, mà còn là thước đo, cơ hội khẳng định và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiện toàn tổ chức và công tác cán bộ, tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực thích ứng với bối cảnh hiện nay.../.

Cùng chuyên mục
  • Gam màu “sáng, tối” trong bức tranh doanh nghiệp đầu năm 2024
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, bức tranh doanh nghiệp (DN) trong tháng đầu tiên của năm 2024 đan xen nhiều gam màu “sáng, tối”, trong đó đáng chú ý là số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng khá cao. Điều đó đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ phục hồi “sức khỏe” cho cộng đồng DN.
  • Thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) và Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp.
  • Đầu tư công năm 2024: Tránh dàn trải để tăng hiệu quả
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Để thúc đẩy đầu tư công trong năm 2024, cần những giải pháp đồng bộ hiệu quả từ trung ương tới địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực…
  • Cần Thơ: Tập trung triển khai dự án đầu tư hạ tầng ngay từ đầu năm
    2 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các cơ quan, địa phương trực thuộc tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm; kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư để triển khai các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng.
  • Nghệ An: Thông qua nhiều Nghị quyết triển khai các dự án quan trọng
    2 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 18 vừa diễn ra, HĐND tỉnh Nghệ An đã thống nhất thông qua các Dự thảo Nghị quyết để triển khai thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Quyết liệt giải ngân đầu tư công năm 2024