Quyết liệt gỡ “nút thắt” trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế

(BKTO) - Từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 4 đợt gia hạn giấy đăng ký thuốc với tổng số 10.572 thuốc được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024. Đồng thời, cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm.

y-te.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Đ. KHOA

Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành

Chiều 14/6, Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm - Trao đổi về truyền thông y tế.

Thông tin đến báo chí một số kết quả nổi bật của ngành y tế trong quý II/2023, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức cho biết, vừa qua, Bộ Y tế đã quyết liệt tháo gỡ những "nút thắt" về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Trong đó, Bộ Y tế đã tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đảm bảo nguồn cung về thuốc; đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược.

Đồng thời, ban hành các Thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép.

Cùng với đó, Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuốc Bộ.

Đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công bố công khai thông tin thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ đấu thầu.

Bộ Y tế cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế; khẩn trương triển khai việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước… Song song với đó là phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Kết quả, từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 4 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vắc xin, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15; cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm; hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại - ông Hà Anh Đức thông tin.

Đồng thời, Bộ Y tế đã gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31/12/2024; cấp số lưu hành hơn 44.000 trang thiết bị y tế (loại A: 27.847 hồ sơ; loại B: 14.508 hồ sơ; loại C, D: 1.673 hồ sơ).

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện; triển khai hiệu quả các giải pháp đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc, vắc xin cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân…

Chỉ thiếu vắc xin “5 trong 1”

Trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, qua rà soát nguồn vắc xin gối đầu chuyển từ năm 2022 sang, đối với vắc xin sản xuất trong nước, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vắc xin năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023. 

bt-lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hông Lan phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Bộ Y tế

Riêng vắc xin viêm gan B, vắc xin phòng lao sử dụng đến tháng 8/2023; vắc xin viêm não Nhật Bản, sởi, rubella đủ dùng tới quý II và quý III/2023. Ngoài ra, vắc xin uốn ván và bại liệt đủ đáp ứng hết năm 2023.

Chỉ có vắc xin “5 trong 1” nhập khẩu, do năm 2022 tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định nhưng không có nhà thầu tham gia nên có tình trạng thiếu từ tháng 2/2023 đến nay.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Y tế để chủ động xây dựng phương án giá, gửi sang Bộ Tài chính để thẩm định sớm; làm căn cứ cho đặt hàng vắc xin “5 trong 1”.

Trong thời gian triển khai và chờ mua vắc xin theo ngân sách nhà nước, Bộ Y tế đã làm việc với các đối tác, tìm các nguồn vắc xin đang thiếu.

Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Tây Thái Bình Dương, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), WHO tại Việt Nam thống nhất sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam khoảng trên 200.000 liều vắc xin “5 trong 1” cho trẻ em. Ngoài ra, với hơn 65.000 liều vắc xin “5 trong 1” được tài trợ trong nước sẽ bảo đảm vắc xin để ưu tiên tiêm cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa - nơi khó tiếp cận với vắc xin “5 trong 1” dịch vụ. Bộ Y tế đang nhanh chóng tiếp cận nguồn viện trợ này.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương, thực hiện mua sắm cho chương trình mua sắm vắc xin, bảo đảm cho năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, đến năm 2023, do Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành chương trình chi thường xuyên của các địa phương nên theo quy định Luật Đầu tư công, Bộ Y tế không được phân bổ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ này.

 Thông tin đến báo chí về tiến độ đưa vào sử dụng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến nay, cơ bản các nhiệm vụ triển khai xây lắp đã đạt được mức độ rất cao, 80-90%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc trong quá trình thanh toán, hoàn thiện các dự án này.

Tổ công tác gồm các thành viên của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng phương án để báo cáo lên Chính phủ, đề xuất các giải pháp làm sao nhanh chóng nhất đưa các bệnh viện này vào sử dụng.

Cùng chuyên mục
  • Dự kiến trong tháng 6 sẽ điều chỉnh Covid-19 từ nhóm A sang B
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đưa ra tại Tọa đàm - Trao đổi về truyền thông y tế, diễn ra chiều 14/6, tại Bộ Y tế.
  • Giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống cho thanh - thiếu niên, nhi đồng
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) – Theo Kế hoạch triển khai Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, gửi các Bộ, ngành, địa phương mới đây đã nêu rõ yêu cầu tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hóa ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên.
  • 5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 716 vụ cháy nổ
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong tháng 5/2023, toàn quốc xảy ra 191 vụ cháy, làm chết 12 người, bị thương 09 người; thiệt hại tài sản ước tính 17,62 tỷ đồng và 25,58 hécta rừng.
  • Sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sau sáp nhập, Trường Đại học Hải Dương được định hướng trở thành trường đại học đa ngành, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, các lĩnh vực: sư phạm, kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước.
  • Trưng bày chuyên đề "Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh"
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) – Nhằm thiết thực hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), ngày 9/6, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khai mạc Trưng bày chuyên đề "Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh".
Quyết liệt gỡ “nút thắt” trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế