Rà soát các khoản thu, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách

(BKTO) - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nhiều mặt của nền kinh tế, trong đó có số thu ngân sách.



                
   

Công tác kiểm tra sau thông quan năm 2019, ngành Hải quan thu về ngân sách hơn 1.800 tỷ đồng - Ảnh: T.T

   
Trong hướng dẫn mới đây về tổ chức quản lý thu, Bộ Tài chính đã đề nghị các cơ quan thuế, hải quan rà soát các khoản thu, chống thất thu thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản vào NSNN.

Quản lý thu ngân sách chặt chẽ

Dự toán thu NSNN năm 2020 là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với dự toán năm 2019. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 22,2% GDP, trong đó thu từ thuế, phí khoảng 19,4% GDP.

Ngay trong thời điểm đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường đã tác động trực tiếp đến nhiều mặt của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới thu NSNN. Trong hướng dẫn về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2020, Bộ Tài chính đã đề nghị các cơ quan thuế, hải quan tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, việc khai báo tên hàng, mã hàng, thuế suất, trị giá, số lượng... để phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế.

Đồng thời, các cơ quan này phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử. Đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, chuyển giá... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN. Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan thuế, hải quan quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật; điều hành hoàn thuế giá trị gia tăng trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2020. Cùng với đó là việc tạo điều kiện cho người nộp thuế; thực hiện kiểm tra trước và sau hoàn thuế theo quy định của pháp luật và mức độ rủi ro; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ NSNN.

Công tác chống thất thu NSNN được Bộ Tài chính chú trọng và đây cũng là giải pháp quan trọng không kém việc mở rộng cơ sở thu. Bởi thời gian qua, Bộ Tài chính đi đúng hướng và kết quả đã minh chứng cho điều này. Nhìn lại năm 2019, thu NSNN đến ngày cuối cùng của năm đã vượt hơn 138 nghìn tỷ đồng, tăng 9,79% so với dự toán. Đây là kết quả tổng hợp của nhiều giải pháp trong đó có công tác chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường thanh kiểm tra và chống buôn lậu, gian lận thương mại… Ví như, chỉ tính riêng cơ quan thuế đã thu được 35.200 tỷ đồng tiền thuế nợ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là hơn 65.524 tỷ đồng; số tiền nộp vào ngân sách là hơn 13.800 tỷ đồng. Trong công tác chống buôn lậu, ngành Hải quan đã thu nộp ngân sách hơn 480 tỷ đồng; kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế và xử phạt hành chính, thu vào ngân sách hơn 1.846 tỷ đồng…

Tập trung quản lý thu những đối tượng rủi ro cao

Vào thời điểm dự toán NSNN năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân giao đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong đó, các quy định về quản lý NSNN phải được tuân thủ chặt chẽ. Bộ trưởng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Đối với công tác thu NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng luôn coi trọng công tác phối hợp của cấp ủy chính quyền các địa phương. Bộ trưởng cho rằng, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu ngân sách, đặc biệt là những lĩnh vực, đối tượng rủi ro cao (ngành nghề kinh doanh mới; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, kinh doanh lỗ nhiều năm, liên tục có dấu hiệu chuyển giá, các hồ sơ hoàn thuế lớn…), quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế, gian lận thương mại.

Những năm gần đây, ngay từ ngày đầu tiên của năm, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết về nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán NSNN; nghị quyết về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã sớm ban hành 2 kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết quan trọng nêu trên.

Tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ của ngành Tài chính vừa qua, Bộ trưởng đã đưa ra thông điệp, trong năm 2020, ngành Tài chính tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, việc quản lý thu ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, chống thất thu là hết sức quan trọng để thu đạt và vượt dự toán đề ra.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
Cùng chuyên mục
Rà soát các khoản thu, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách