Rà soát hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất

(BKTO) - Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, sau vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh.



                
   

Quang cảnh khuđô thị mới Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh.Ảnh: TTXVN

   

Bộ Tư pháp cho biết, những vấn đề phát sinh qua vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đô thị mớiThủ Thiêm liên quan trực tiếp tới giá khởi điểm của quyền sử dụng đất;các điều kiện và năng lực tài chính của người tham gia đấu giá được quy định bởi pháp luật về đất đai.

Cụ thể, về xác định giá khởi điểm của quyền sử dụng đất, tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản quy định giá khởi điểm và việc xác định giá khởi điểm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với tài sản đó, trước khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá.

Đối với quyền sử dụng đất, Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn đã quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Do đó, theo Bộ Tư pháp, việc xác định giá khởi điểm của quyền sử dụng đất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.

Về điều kiện, năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá, còn tài sản cụ thể phải bán thông qua đấu giá, điều kiện đối với tài sản bán đấu giá, điều kiện đối với người được mua tài sản (người sở hữu, khai thác, sử dụng tài sản đấu giá) mang tính đặc thù đối với tài sản đó, do pháp luật trong từng lĩnh vực quy định.

Như vậy, các điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được quy định và thực hiện theo pháp luật về đất đai, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản. Do đó, không có cơ sở để sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản đối với những nội dung này.

Đối với tiền đặt cọc tham gia đấu giá và chế tài xử lý vi phạm, Luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước với mức từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Tiền đặt trước sau khi trúng đấu giá được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay có hơn 20 loại tài sản được đưa ra bán đấu giá và qua thực tiễn triển khai đã cho thấy mức tiền đặt trước tối đa mà Luật Đấu giá tài sản quy định là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều DN tham gia đấu giá. Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì sẽ có ít DN đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.

Bộ Tư pháp cũng nêu bất cập pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cấm tham gia đấu giá đối với cá nhân, DN trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Ngoài ra, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây ra khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện, cũng như có thể phát sinh các vấn đề về khiếu nại, tố cáo.

Từ kết quả rà soát trên, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Trong đó, chú trọng việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai đối với các quy định về giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của DN tham gia đấu giá; thời hạn nộp tiền trúng đấu giá; chế tài đối với DN trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá…

Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chỉ đạo người có tài sản đấu giá tại địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm; giám sát quá trình bán hồ sơ, thẩm tra, đánh giá các điều kiện, năng lực của người tham gia đấu giá... bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản./.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Rà soát hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất