Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015: Đảm bảo hiệu quả thi hành pháp luật về kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Tại Hội thảo “Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015” do KTNN tổ chức ngày 08/5, nhiều đại biểu nhấn mạnh quan điểm: Dù Luật KTNN năm 2015 mới có hiệu lực được hơn 2 năm song rất cần phải sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo hiệu quả thi hành pháp luật về KTNN một cách đồng bộ, toàn diện.



Tham dự Hội thảo có đại diện của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Tòa án Nhân dân tối cao, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Sở Tài chính, Ban Tài chính - Ngân sách, Ban Pháp chế HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội của 21 tỉnh, thành phố phía Bắc; cùng đại diện một số tập đoàn, tổng công ty, trường, viện; các nhà khoa học trong và ngoài KTNN; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn nêu những bất cập, hạn chế trong quá trình thi hành Luật KTNN năm 2015, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị sửa đổi.

Ở đâu có tài chính, tài sản công đều phải kiểm toán

Đó là khẳng định của nhiều đại biểu khi đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phạm vi, đối tượng của KTNN. Nhấn mạnh quy định của Luật hiện hành về đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công, song các đại biểu cho rằng, còn những lĩnh vực, nội dung chưa được đề cập và cần có quy định cụ thể trong Luật nhằm đảm bảo bao quát, rõ ràng về đối tượng kiểm toán.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng

Theo ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - có ý kiến cho rằng, DN ngoài quốc doanh không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN vì các DN này không dùng tài sản công. Song thực tế cho thấy, chỉ mới thực hiện đối chiếu thuế đã tăng thu cho NSNN rất nhiều. Cho nên, cần xem xét quy định về vấn đề kiểm toán thu thuế để đảm bảo sự khách quan trong thu thuế khi sửa đổi Luật lần này.

Đồng tình cơ quan thuế và hải quan là công cụ quản lý, thu thuế của Nhà nước song ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho rằng, thực tế có những sắc thuế hiện nay triển khai chưa tốt, do đó, rất cần KTNN vào đối chiếu số liệu, xác định số thuế thực tế để xem DN có thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế hay không. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư theo hình thức PPP cũng phải đưa vào đối tượng của KTNN.

Liên quan đến quy định KTNN tham gia vào việc xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách T.Ư, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, theo ông Nguyễn Công Trưởng, thực tế ở địa phương cho thấy, nếu được kiểm toán sớm sẽ rất tốt. “Khi phân bổ ngân sách, bổ sung ngân sách cũng như vốn cho các dự án, nếu kiểm toán được đầu vào ngân sách thì chắc chắn đầu ra sẽ “hanh thông”. Còn sau khi đã quyết toán rồi mới vào thanh tra, kiểm toán, phát hiện hàng loạt các vấn đề sai phạm và yêu cầu xuất toán thì lúc đó lấy đâu ra tiền. Tôi cho rằng, quá trình từ khi phân bổ ngân sách cũng như tổ chức triển khai các dự án quan trọng cần được kiểm toán ngay từ ban đầu” - ông Trưởng nói.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Luật cần có quy định cụ thể về chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN. Theo các đại biểu, Điều 71, Luật KTNN năm 2015 có đề cập đến vấn đề này song hệ thống pháp luật về KTNN đến nay chưa quy định chế tài cụ thể. Bà Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hà Nội - đề nghị, cần chú trọng xử lý trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán không chấp hành kết luận của cơ quan kiểm toán hoặc không phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo cho Đoàn kiểm toán…

Hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa thanh tra, kiểm toán

Cũng tại Hội thảo, vấn đề làm thế nào để khắc phục, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra được nhiều đại biểu đề cập. Nhìn nhận thực trạng này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, sự phối hợp giữa KTNN và thanh tra hiện nay chủ yếu là phối hợp theo vụ việc trong khi Luật Thanh tra và Luật KTNN vẫn để ngỏ vấn đề này. “Sự phối hợp theo vụ việc phụ thuộc vào may rủi, vào thiện chí của những người thực thi công vụ. Điều đó là không bền vững. Tôi rất ủng hộ việc sửa Luật KTNN đồng thời sửa Luật Thanh tra để quy định cụ thể vấn đề này” - ông Thanh bày tỏ. Đề xuất giải pháp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nêu quan điểm: Cơ quan thanh tra chỉ thanh tra khi có khiếu nại, tố cáo và theo yêu cầu của Thủ tướng, còn lại là do KTNN đảm nhiệm; đồng thời cần rà soát, có giải pháp khắc phục tình trạng thanh tra tràn lan.

Ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ - nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là cái gì kiểm toán đã làm thì thanh tra thôi và ngược lại. Về lâu dài, chúng ta phải xem lại thiết chế theo hướng khoanh lại phạm vi hoạt động của thanh tra chỉ là thanh tra công chức, công vụ để phục vụ cơ quan hành pháp. Còn tất cả các vấn đề về tài sản, tài chính công phải là nhiệm vụ của KTNN”.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về tiêu chuẩn ngạch Kiểm toán viên nhằm thu hút người có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn về công tác tại KTNN; xem xét quy định về quy trình thực hiện các cuộc kiểm toán đột xuất; bổ sung vai trò của KTNN trong giám định tư pháp...

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 10/5/2018
Cùng chuyên mục
Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015: Đảm bảo hiệu quả thi hành pháp luật về kiểm toán nhà nước