Slovakia: Cần đẩy nhanh các giải pháp phát triển hệ thống thoát nước công cộng

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước Slovakia (SAO) vừa công bố một báo cáo cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình được kết nối với hệ thống thoát nước công cộng còn thấp, thậm chí chưa đến 1% mỗi năm.

9.jpg
Nhiều ngôi làng tại Slovakia chưa được kết nối với hệ thống thoát nước. Ảnh: ST

Sự chậm trễ gây ra nhiều thách thức

Hệ thống thoát nước và các nhà máy xử lý nước thải giúp làm giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm tại Slovakia, đồng thời giúp nâng cao chất lượng nguồn nước cũng như đời sống của người dân ở các thành phố.

Tuy nhiên, năm 2021, Slovakia chỉ có 1.155/2.890 đô thị được kết nối với các hệ thống thoát nước công cộng; tỷ lệ cư dân được kết nối với hệ thống nước thải công cộng chỉ tăng 5% so với năm 2015; mục tiêu cung cấp nước uống sạch cho ít nhất 90% người dân Slovakia đã không đạt được. Do đó, trong những năm qua, SAO liên tục đưa ra cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra do Slovakia không hoàn thành các mục tiêu quốc gia dài hạn mà Chính phủ hướng tới khi gia nhập Liên minh châu Âu.

20 năm qua, gần 2 tỷ USD đã được tái đầu tư vào Slovakia để xây dựng hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải, một phần kinh phí đáng kể đến từ nguồn viện trợ của châu Âu. Tuy vậy, Slovakia vẫn chưa thể kết nối tất cả các đô thị có hơn 2.000 dân với hệ thống thoát nước công cộng, chưa đảm bảo mọi người dân được tiếp cận nguồn nước sạch.

Ông Ľubomír Andrassy - Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Slovakia

Báo cáo của SAO xác định, nguyên nhân của tình trạng chậm trễ trên, đặc biệt trong giai đoạn từ 2016-2022, là do các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng; năng lực của nhiều tổ chức chưa đảm bảo; thông tin về các chương trình, dự án chưa đầy đủ và chưa có sự phối hợp chặt chẽ cần thiết. SAO cảnh báo, việc các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết được các rủi ro nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng lớn tới các nguồn cung cấp nước sạch ở các khu vực rộng lớn hơn của Slovakia và các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Trong 5 năm qua, kể từ lần cuối SAO kiểm toán lĩnh vực quan trọng này, đến nay, các cơ quan nhà nước vẫn không có tiến triển đáng kể nào trong việc thiết lập và sử dụng các cơ chế kiểm soát. SAO cũng chỉ trích một số chính quyền địa phương miễn cưỡng trong việc kiểm soát hệ thống thoát nước; các cơ quan quản lý cấp nước tại nhiều thành phố thiếu nhân viên có chuyên môn nên chưa đạt được các mục tiêu đề ra.

Giải pháp phát triển hệ thống thoát nước

Những thách thức kéo dài đã mang đến gánh nặng tài chính đáng kể cho ngân sách công; việc trì hoãn thực hiện các mục tiêu đã đặt ra có thể tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường và sức khỏe của người dân. Do đó, để hoàn thành các kế hoạch đang bị chậm trễ, SAO cho rằng Slovakia cần các khoản đầu tư mới cũng như các biện pháp khuyến khích người dân kết nối với hệ thống thoát nước công cộng hiện tại.

Để có thể giải quyết tình trạng trên, các quy định chưa phù hợp của luật pháp cần được sửa đổi, các nhiệm vụ giữa cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền địa phương cần được phân định rõ ràng, đồng thời, cần củng cố nhân sự của các cơ quan có thẩm quyền.

Việc sử dụng cơ sở dữ liệu và thông tin toàn diện cũng rất quan trọng. SAO khuyến nghị Bộ Môi trường với tư cách là cơ quan bảo đảm cho chính sách công này phải xây dựng một hệ thống thông tin sẵn sàng để theo dõi các khu vực quan trọng, đồng thời có thể đề xuất áp dụng một số biện pháp giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng. Ngoài ra, Bộ Môi trường cần cập nhật tổng nợ đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng lạm phát và khủng hoảng năng lượng tác động mạnh đến chi phí của vật liệu xây dựng, đến tiền lương của người lao động trong lĩnh vực xây dựng và cấp thoát nước.

SAO cho rằng, tổng số kinh phí ước tính hơn 1,5 tỷ USD trong kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và cấp nước công cộng giai đoạn 2021-2027 chưa thực tế, chi phí hiện nay có thể sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, SAO kiến nghị Chính phủ cần tính toán lại số kinh phí cần thiết để thực hiện các dự án nhằm phát triển mạng lưới thoát nước trong thời gian tới.

Bên cạnh số tiền cần để mở rộng mạng lưới các nhà máy xử lý nước thải, các đường ống thoát nước, dẫn nước hiện có, SAO kiến nghị Chính phủ cần vạch ra các kế hoạch và có các biện pháp hiệu quả để thực hiện nghĩa vụ của Slovakia đối với cộng đồng châu Âu, chú trọng đến khoản nợ lớn liên quan đến việc sửa chữa và bảo trì mạng lưới đường ống và cống thoát nước hiện có./.

(Theo nku.gov.sk và tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Slovakia: Cần đẩy nhanh các giải pháp phát triển hệ thống thoát nước công cộng