Rút ngắn thời gian là tăng hiệu quả

(BKTO) - Báo cáo đầu tiên trong chuỗi báo cáo thường niên về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố ngày 22/6.



Báo cáo được xây dựng trên cơ sở tổng hợp và phản ánh ý kiến của 3.085 phiếu trả lời hợp lệ (trong số 3.278 phiếu trả lời) của 12.811 DN được lựa chọn ngẫu nhiên có thực hiện 12 thủ tục hành chính của 5 Bộ, ngành và thủ tục liên ngành (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế) trong thời gian 12 tháng (từ ngày 31/01/2018 đến 31/10/2019) trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia (MCQG).

Theo Báo cáo, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng thông tin MCQG đang hoạt động tốt. Việc triển khai Cơ chế MCQG đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho DN, dù không đồng đều giữa các thủ tục và các Bộ, ngành. Tổng cộng có 10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận thời gian DN phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được so với phương thức truyền thống dao động trong khoảng từ 1 - 3 ngày và số ngày giải quyết thủ tục nhìn chung đều nằm trong khoảng thời hạn theo quy định của các văn bản pháp luật. 8 thủ tục hành chính ghi nhận chi phí giảm đi đáng kể so với phương thức cũ.

Các tính năng cơ bản như: “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ”, “cấp Chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O” và “cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa” được đa số DN đánh giá cao; thủ tục “khai báo thông tin hồ sơ trên Cổng MCQG” và thủ tục “đánh giá sự phù hợp” được đánh giá tốt nhất về mức độ tốn kém thời gian và chi phí ở mỗi khâu; sự chưa hài lòng thể hiện rõ với các thủ tục: “kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu”, “cấp Giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” và “cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu”. Đặc biệt, khâu “tiếp nhận và giải quyết hồ sơ” thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành vẫn bị phàn nàn gây tốn kém thời gian và chi phí cho DN nhiều hơn cả…

Nguyên nhân chính của sự chưa hài lòng bao gồm: Hệ thống xử lý thủ tục của Bộ quản lý chuyên ngành chưa “điện tử hóa” hoàn toàn; còn lỗi kết nối và chậm về tốc độ xử lý các tác vụ trên Cổng; DN bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần; thời gian các Bộ, ngành xử lý hồ sơ của DN tương đối lâu…

Việc tăng mức độ hài lòng của DN và giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế MCQG là nhiệm vụ cấp thiết và thường xuyên. Trước mắt, cần tập trung giảm thời gian thực hiện các thủ tục quan trọng nhất, gắn với yêu cầu triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cũng như phù hợp yêu cầu hội nhập, tiêu chuẩn và thông lệ thông quan quốc tế. Các Bộ, ngành cần sớm hoàn thành kế hoạch triển khai các thủ tục hành chính năm 2019 và 2020 theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và các thông báo của Ủy ban 1899, Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 và kết nối đầy đủ các thủ tục vào Cổng thông tin MCQG.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan cần phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung thay vì hệ thống phân tán như hiện nay; đồng thời tăng cường độ an toàn và thuận lợi cao cho DN khi sử dụng chữ ký số; đẩy nhanh thanh toán điện tử; thống nhất và đơn giản hóa các biểu mẫu, giấy tờ và thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành trong giải quyết thủ tục cho DN; tăng tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục; cải thiện tính thân thiện và nâng cấp các chức năng, cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ giải đáp vướng mắc, tiếp nhận ý kiến, đánh giá phản hồi và đề xuất của DN trên Cổng thông tin MCQG…

Thời gian là tiền bạc! Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi nhanh chóng của thị trường, nhất là “bối cảnh bình thường mới” thời hậu Covid-19, việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục thông quan nói riêng, các thủ tục quản lý nhà nước nói chung là đồng nghĩa với tăng hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động của DN; tăng khả năng nắm bắt cơ hội đầu tư và giảm thiểu chi phí sản xuất; tăng thu hút, đón nhận các dòng dịch chuyển đầu tư khu vực và quốc tế, mở rộng sản xuất, cải thiện xuất khẩu, việc làm và nguồn thu NSNN, góp phần tăng động lực phát triển kinh tế cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài...

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Thực hiện 3 “công”  trong thu hút vốn FDI
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Doanh nghiệp FDI chiếm vị trí áp đảo về đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với tỷ trọng lên tới 60 - 70% từ năm 2003 đến 2015. Giai đoạn 2003-2013, phần lớn thuế TNDN do DN FDI đóng góp từ dầu thô với tỷ trọng lên tới trên 90% vào năm 2003 và trên 70% trong những năm còn lại, ngoại trừ năm 2010 và 2013 giảm xuống còn hơn 60%.
  • Thu hút FDI dưới góc nhìn kiểm toán
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực tiễn kiểm toán của KTNN khu vực XIII trên địa bàn 4 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuậ̣n những năm qua cho thấy, FDI đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh này. Tuy nhiên, hoạt động thu hút FDI của các địa phương nói chung vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
  • Động lực tài chính mới cho Thủ đô
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 45 vào sáng 01/6 và được thảo luận tại Quốc hội ngày 09/6… Khi được thông qua, Dự thảo được kỳ vọng tạo động lực tài chính mới cho phát triển Thủ đô.
  • Phát triển kinh tế ban đêm
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kinh tế ban đêm (Night Time Economy - NTE) được hiểu là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
  • Phát triển và xuất khẩu dịch vụ - Động lực hậu Covid-19
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tự hào năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu hàng hóa và cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2020 tiếp tục xuất siêu 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, chưa có năm nào Việt Nam xuất siêu dịch vụ. Trung bình giai đoạn 2011-2019, mỗi năm cả nước nhập siêu 3 tỷ USD dịch vụ… Ngay cả niềm tự hào ngầm rằng có Mỹ là thị trường xuất khẩu và xuất siêu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, thì Việt Nam cũng luôn nhập siêu dịch vụ từ Mỹ.
Rút ngắn thời gian là tăng hiệu quả