Phát triển kinh tế ban đêm

(BKTO) - Kinh tế ban đêm (Night Time Economy - NTE) được hiểu là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.



Kinh tế ban đêm tại London hiện mang lại 723.000 việc làm, bằng 1/8 tổng số lao động của Thành phố. Ở New York, năm 2018, hoạt động kinh doanh ban đêm của các nhà hàng mang lại 12 tỷ USD và tạo ra 141.000 việc làm, riêng các quán bar đã thu về 2 tỷ USD. Các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về 3,1 tỷ USD, tức mỗi đêm, New York thu về hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Nếu tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu 19 tỷ USD mỗi năm nhờ NTE. Tại Sydney, NTE mỗi năm tạo ra 234.000 việc làm, với doanh thu 27,2 tỷ USD và mang lại 102 tỷ USD. Kinh tế ban đêm đóng góp 6% GDP của Anh và 4% GDP của Australia.

Trong khi ở nhiều “cường quốc du lịch”, kinh tế ban đêm mang lại giá trị lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, giá trị thặng dư và thu hút ngoại tệ thì ở Việt Nam, dù lượng du khách quốc tế tăng đều hằng năm nhưng doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách còn thấp so với các nước trong khu vực. Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), trung bình du khách đến Việt Nam chi 96 USD/ngày, trong khi Thái Lan là 163 USD/ngày và Singapore là 325 USD/ngày mà một phần là do Việt Nam gần như chưa khai thác kinh tế ban đêm. Rõ ràng, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm như dân số trẻ tập trung tại các thành phố lớn, tài nguyên du lịch phong phú, các yếu tố văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc; mức độ hội nhập cao; thời tiết dễ chịu về đêm… song lại tồn tại nhiều hạn chế cho phát triển kinh tế đêm như hạ tầng còn thiếu và yếu, dịch vụ chưa chuyên nghiệp, cơ chế, chính sách chưa tương ứng, sự e ngại nảy sinh phức tạp về trật tự, an ninh...

Theo khảo sát của các chuyên gia nước ngoài, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm nhưng sản phẩm, dịch vụ về đêm của Việt Nam lại quá ít. Theo Bộ Công Thương, phát triển kinh tế đêm đã hình thành tại Việt Nam, nhưng mới chỉ xuất hiện manh mún tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn, chưa định hình thành một khu vực kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, chưa có báo cáo, thống kê cụ thể về đóng góp của kinh tế đêm vào phát triển kinh tế xã hội.

Để phát triển NTE, trước hết, các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy, hoàn thiện cơ chế, xây dựng chính sách, khung khổ pháp lý phù hợp, quy hoạch khu vực phát triển kinh tế ban đêm, tăng cường năng lực quản lý, khai thác nguồn lực tài nguyên, tri thức, tài chính, ứng dụng công nghệ, hợp tác khu vực công và tư nhân… Việc thúc đẩy kinh tế ban đêm có trọng điểm, có lựa chọn sẽ tạo điều kiện để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập lớn cho nền kinh tế. Kinh tế ban đêm chỉ phát triển khi có kế hoạch, chính sách, sự chỉ đạo thống nhất, đầu tư bài bản các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước, có kết nối giao thông công cộng, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn. Các khu vực vui chơi giải trí về đêm cần quy hoạch đồng bộ, chọn lựa các DN uy tín, có kinh nghiệm thực hiện đi đôi với phát triển dịch vụ giao thông công cộng phù hợp, hợp pháp hóa kéo dài thời gian mở cửa các địa điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật...

Kinh tế ban đêm còn đòi hỏi có cơ chế thích hợp quản lý cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, nước, xăng dầu, bia rượu, đồ uống cao cấp, thuốc lá... đi đôi với bộ máy quản lý các tệ nạn xã hội, chống hàng giả, hàng trốn thuế, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn đô thị.
Đặc thù kinh tế đêm là tập trung đô thị lớn nên cần phân cấp cho chính quyền địa phương trong quy hoạch và phát triển kinh tế đêm tại địa phương. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm ban hành khung pháp lý đầy đủ về phát triển kinh tế ban đêm từ quy hoạch chung, loại hình dịch vụ, thời gian, địa điểm, đối tượng tham gia… đến điều kiện tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước để giảm thiểu phát sinh tệ nạn xã hội và hoạt động tội phạm.

Tóm lại, kinh tế ban đêm là bộ phận tất yếu của nền kinh tế do thực hiện nguyên tắc sử dụng tốt nhất các nguồn lực để tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, từ thời gian, không gian đến cơ sở hạ tầng và sức lao động. Đối với du lịch, kinh tế ban đêm càng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì đó là công cụ hữu hiệu để du khách đến nhiều hơn, ở lại lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Phát triển và xuất khẩu dịch vụ - Động lực hậu Covid-19
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tự hào năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu hàng hóa và cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2020 tiếp tục xuất siêu 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, chưa có năm nào Việt Nam xuất siêu dịch vụ. Trung bình giai đoạn 2011-2019, mỗi năm cả nước nhập siêu 3 tỷ USD dịch vụ… Ngay cả niềm tự hào ngầm rằng có Mỹ là thị trường xuất khẩu và xuất siêu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, thì Việt Nam cũng luôn nhập siêu dịch vụ từ Mỹ.
  • Doanh nghiệp FDI cần “tam công”
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực tế cho thấy, DN FDI mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (hơn 1/5), trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (trên dưới 1/4) và trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 70%) song lại được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong thời gian dài nên đóng góp của DN FDI vào NSNN chưa tương xứng với vị thế của khu vực này trong nền kinh tế (khoảng 15% tổng thu NSNN). Ngoài ra, không loại trừ khả năng chuyển giá của các DN FDI có thể làm giảm tỷ trọng đóng góp vào NSNN của khu vực này khi tỷ trọng DN FDI trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hằng năm khoảng 60%.
  • Thực trạng nộp thuế của doanh nghiệp
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong tổng thu NSNN, khu vực khác lại chiếm tỷ trọng lớn nhất suốt giai đoạn 2001-2019 với mức dao động trên dưới 40%, thậm chí tới gần 50% những năm 2009 và 2017-2019. Đứng thứ hai về tỷ trọng trong tổng thu NSNN là khu vực DNNN với mức trên dưới 20%. Khu vực DN ngoài quốc doanh vươn lên chiếm vị trí số 3 sau gần 2 thập kỷ liên tục tăng tỷ trọng và đạt kỷ lục 16,3% vào năm 2019. Khu vực FDI được coi là đột phá và quan trọng của nền kinh tế song chỉ đứng vị trí cuối cùng về đóng góp cho NSNN với tỷ trọng cao nhất là 14,7% tổng thu NSNN năm 2016, ngoại trừ năm 2019 đột ngột tăng lên 17,3%.
  • Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong đổi mới và phát triển
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, khi giang sơn sạch bóng quân xâm lược, non sông gấm vóc liền một dải. Từ đó, cả nước vừa ra sức khôi phục kinh tế, tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, khắc phục trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội; vừa tiến hành hai cuộc chiến đấu chống xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Phát triển kinh tế ban đêm