S&P Global Ratings: Làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp bủa vây thế giới

(BKTO) - Theo báo cáo từ S&P Global Ratings, các công ty trên khắp thế giới đang vỡ nợ với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 do lãi suất cao và lạm phát cao kéo dài.

sa-thai.jpg
Lãi suất cao và lạm phát cao kéo dài làm tăng số vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Gia tăng số vụ phá sản ở châu Âu

S&P Global Ratings cho biết số vụ vỡ nợ doanh nghiệp đã tăng lên 29 vụ kể từ đầu năm nay, con số cao nhất vào thời điểm này trong một năm kể từ năm 2009. Mặc dù phần lớn các vụ vỡ nợ xảy ra ở Mỹ, song sự gia tăng số vụ phá sản ở châu Âu lại là điều đáng báo động đối với giới phân tích.

Kể từ tháng 1/2024 tới nay, 8 công ty châu Âu đã vỡ nợ, nhiều hơn gấp đôi so với 3 vụ vỡ nợ được ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, 17 vụ vỡ nợ đã xảy ra ở Mỹ trong giai đoạn này, ít hơn một chút so với con số 18 vụ được thấy vào cùng kỳ năm ngoái. Nếu Mỹ chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ hơn thì châu Âu lại chứng kiến số công ty không thanh toán nghĩa vụ nợ tăng gấp đôi so với bất kỳ năm nào kể từ năm 2008.

Xét theo lĩnh vực, 40% số vụ vỡ nợ trong tháng 2/2024 có liên quan đến các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoặc truyền thông và giải trí. Với triển vọng yếu kém, S&P Global kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty truyền thông và chăm sóc sức khỏe, cũng như các nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng, sẽ chứng kiến nhiều vụ vỡ nợ hơn trong tương lai.

Bên cạnh Mỹ và châu Âu, 4 công ty đã vỡ nợ kể từ đầu năm nay, bao gồm công ty dịch vụ và giải pháp bất động sản thương mại Avison Young của Canada và nhà cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng CLISA có trụ sở tại Argentina - Compania Latinoamericana deInfraestructura & Servicios S.A. - cả hai đều vỡ nợ vào tháng Hai.

Trong số các công ty khác vỡ nợ vào tháng Hai có nhà điều hành X quang Radiology Partners Holdings có trụ sở tại Mỹ, nhà sản xuất công cụ Apex Tool Group có trụ sở tại Mỹ và nhà điều hành rạp chiếu phim Vue Entertainment International có trụ sở tại Vương quốc Anh.

AMC Entertainment Holdings Inc. cũng được đưa vào danh sách các công ty vỡ nợ của S&P sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm hạ mức nợ của họ xuống mức "vỡ nợ có chọn lọc", tuyên bố rằng một loạt các giao dịch trao đổi nợ mà công ty tham gia đã tương đương với việc vỡ nợ.

Các nhà phân tích tại S&P Global dự báo hoạt động tiêu dùng yếu tại châu Âu sẽ góp phần làm tăng tốc độ vỡ nợ doanh nghiệp đến cuối năm nay. Các tác giả của báo cáo trên cho biết: “Với tổng số công ty được xếp hạng thấp hơn trong khu vực vẫn còn cao, chúng tôi dự đoán tỷ lệ vỡ nợ ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, khiến tỷ lệ vỡ nợ tăng nhẹ trong mùa Hè”.

Nợ toàn cầu tăng mạnh dù chi phí vay đắt đỏ hơn

ngoai-te.jpg
Tổng nợ toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục 313.000 tỉ đô la - Ảnh minh họa

Theo dữ liệu của Viện Tài chính quốc tế (IIF) mới công bố, các chính phủ và giới doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn cầu vay thêm 15.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Con số này khiến tổng nợ toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục 313.000 tỉ đô la, cao hơn khoảng 100.000 tỉ đô la so với 10 năm trước.

Riêng nợ của các chính phủ tăng lên mức 89.900 tỉ đô la, từ mức 71.000 tỉ đô la trước đại dịch và dưới 33.000 tỉ đô la trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

“Khoảng 55% mức tăng thêm của nợ toàn cầu trong năm ngoái đến từ các thị trường trưởng thành, chủ yếu là Mỹ, Pháp, Đức”, IIF cho biết.

Năm 2023, lãi suất tăng mạnh ở hầu hết các nước trên thế giới khiến chi phí trả các khoản nợ này tăng đáng kể. Jan Friederich, người đứng đầu bộ phận xếp hạng nợ công ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Fitch Ratings cho biết, chi phí vay cao hơn đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý từ môi trường lãi suất cực thấp.

Trong báo cáo giám sát nợ toàn cầu, IIF cảnh báo, gánh nặng chi phí trả nợ sẽ gia tăng khi lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến mặc dù nền kinh tế toàn cầu nhìn chung đã chống đỡ khá tốt. Dù tốc độ tăng trưởng vẫn dưới mức tiềm năng và chi phí lãi vay tăng cao, nền kinh tế toàn cầu đang chứng tỏ khả năng chống chịu trước sự biến động mạnh của chi phí vay.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh, tình trạng chặt chẽ của Mỹ về lãi suất điều hành và đồng đô la có thể làm tăng thêm sự biến động của thị trường. Điều này dẫn đến các điều kiện vay vốn thắt chắt hơn với các nước phụ thuộc tương đối cao vào vay nợ bên ngoài. Các thị trường tài chính hiện kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay khi lạm phát hạ nhiệt.

IIF dự báo, giá cả có thể tăng trở lại do căng thẳng thương mại leo thang hoặc kinh tế tăng trưởng mạnh hơn nhờ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo hay giá năng lượng cao hơn. Nếu điều này xảy ra, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức cao, tác động tiêu cực đến triển vọng của thị trường nợ toàn cầu thông qua chi phí vay cao hơn.

“Sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, xung đột địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể dẫn đến những thay đổi đột ngột hơn trong dự báo rủi ro toàn cầu. Bất kỳ sự leo thang nào của những vấn đề này đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương về nợ”, IIF cho biết.

Cùng chuyên mục
S&P Global Ratings: Làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp bủa vây thế giới