Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thí sinh cũng như toàn xã hội. Ảnh: T.K
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Bộ GD&ĐT cũng đã chính thức công bố lịch thi và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện kỳ thi. Một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là việc coi thi, chấm thi sẽ được thực hiện tại các cụm thi với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) và giáo viên các trường THPT. Theo Bộ GD&ĐT, sẽ có 38 cụm thi quốc gia được thành lập và phân bổ đều trên cả nước, đảm bảo cho thí sinh đi lại thuận lợi nhất.
Thí sinh không được lựa chọn cụm thi mà phải đăng ký dự thi đúng với cụm thi đã quy định. Riêng tại các cụm thi địa phương dành cho những thí sinh chỉ có mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của Sở GD&ĐT như trước đây, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi. Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương hoàn tất công tác khảo sát và tổ chức các cơ sở thi, sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới.
Ðến thời điểm này, nhiều Sở GD&ĐT đã cơ bản xây dựng xong các phương án tổ chức thi. Bên cạnh công tác chuẩn bị cho các điểm thi, Bộ GD&ĐT cũng chú trọng đến việc giải đáp các thắc mắc của thí sinh xung quanh kỳ thi, bởi lẽ đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có nhiều đổi mới được tổ chức lần đầu tiên trên phạm vi cả nước. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là định dạng đề thi. Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), đề thi năm nay sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ). Đặc biệt, đề thi năm nay còn được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ theo hướng đánh giá năng lực học sinh, đồng thời hạn chế việc sử dụng tài liệu, góp phần khắc phục việc dạy thêm tràn lan như vừa qua.
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thí sinh cũng như toàn xã hội, như: không phải thi nhiều đợt; tiết kiệm NSNN và tiết kiệm chi phí của gia đình thí sinh; coi thi, chấm thi theo cụm giảm áp lực cho các trường ÐH cũng như các Sở GD&ÐT...
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu như tại các kỳ thi trước, thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau (thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ); số lượng bài thi nhiều hơn; kỳ thi diễn ra từ 6 đến 9 ngày thì nay, thí sinh chỉ phải thi trong 4 ngày nên giảm được áp lực và chi phí dự thi; giảm áp lực giao thông do các cụm thi được mở rộng, địa điểm dự thi gần hơn.Điều này còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc định hướng tổ chức kỳ thi tinh giản, an toàn, hiệu quả, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí.
Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng/thí sinh. Nếu nhân với 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ đồng. Trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây, theo thống kê sơ bộ, bình quân cả nước chỉ có khoảng 20% thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Do đó, phần kinh phí dành cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm hơn nhiều so với các năm trước.
Các cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ được Bộ GD&ĐT hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức. Còn tại các cụm thi xét tốt nghiệp, các địa phương tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách hằng năm của địa phương.
Cũng theo thông báo của Bộ GD&ĐT, lệ phí thi trong kỳ thi tiếp tục được duy trì ổn định như các năm trước, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình. Đặc biệt, những thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT sẽ không phải nộp lệ phí tuyển sinh.
Dù không tránh khỏi băn khoăn do đây là kỳ thi THPT quốc gia có nhiều nội dung đổi mới lần đầu tiên được tổ chức, nhưng dư luận xã hội đang rất kỳ vọng về tính hiệu quả mà kỳ thi này mang lại. Kết quả của kỳ thi này cũng sẽ có tác động rất lớn đối với nỗ lực thực hiện cải cách của ngành Giáo dục trong bối cảnh hiện nay.