Sẵn sàng cho một tương lai chuyển đổi số mạnh mẽ hơn!

THS. PHẠM THỊ THU HÀ - Giám đốc Trung tâm Tin học | 06/01/2023 02:37

(BKTO) - Một tương lai mới với việc chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán số hiện đại, đó là mục tiêu mà Kiểm toán nhà nước (KTNN) hướng đến trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Để sẵn sàng cho một tương lai chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, KTNN đã và đang xây dựng hạ tầng dữ liệu theo hướng đồng bộ, phù hợp với những lộ trình và bước đi cụ thể.

ths.pham-thi-thu-ha-giam-doc-trung-tam-tin-hoc(1).jpg
THS. PHẠM THỊ THU HÀ - Giám đốc Trung tâm Tin học. Ảnh: N. LY

Nỗ lực triển khai đồng bộ các ứng dụng trao đổi và thu thập dữ liệu

Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn 2030 của KTNN đã xác định xây dựng hạ tầng dữ liệu là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cốt lõi trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của KTNN giai đoạn 2019-2025. Hiện nay, KTNN đã triển khai hơn 30 ứng dụng chuyên ngành, ứng dụng nội bộ phục vụ công tác điều hành, quản lý và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, KTNN đã triển khai tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm nội bộ để đảm bảo tính thống nhất, tập trung giữa các phần mềm trong toàn Ngành; xây dựng mã định danh và hệ thống danh mục dùng chung cho toàn bộ hệ thống, đặc biệt là danh mục đơn vị được kiểm toán với hơn 12.000 đơn vị phân thành 4 cấp hành chính.

Đồng thời, thực hiện chủ trương kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, KTNN đã xây dựng hệ thống nền tảng phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan chức năng như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… tạo nền tảng để kết nối, chia sẽ dữ liệu trên diện rộng. Ghi nhận đến tháng 5/2022, khoảng 1.100 đơn vị đăng ký tài khoản và các đơn vị đã cung cấp 1.950 báo cáo cho KTNN.

Có thể thấy, KTNN đã và đang trong quá trình triển khai đồng bộ các hệ thống phục vụ trao đổi và thu thập phần lớn thông tin của đơn vị được kiểm toán cũng như đơn vị có liên quan. Do vậy, khi dữ liệu được thu thập, cần thiết phải có hệ thống quản lý thông tin nhằm kiểm soát và liên kết các thông tin theo từng đơn vị được kiểm toán và các thông tin này cần được lưu trữ, khai thác trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ cho công tác kiểm toán số sau này.

Những lộ trình và bước đi cụ thể

Nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển KTNN trong giai đoạn chuyển đổi số, Chiến lược CNTT của KTNN đã đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể như sau: Giai đoạn 1 (2019-2020) - Khởi tạo hạ tầng số với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của KTNN trên cơ sở các ứng dụng đã và đang triển khai. Đồng thời, thiết lập khung hạ tầng số của KTNN và triển khai các dự án thí điểm cho quá trình chuyển đổi số.

Giai đoạn 2 (2021-2025) - Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số và thiết lập hệ sinh thái KTNN số để thực hiện kiểm toán số. Các thành phần của hạ tầng số sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn này cùng các dịch vụ kiểm toán dựa trên phân tích dữ liệu lớn và chọn lọc thực hiện tự động hóa một phần nhiệm vụ kiểm toán. Giai đoạn 3 (2026-2030) - Hoàn thiện hạ tầng số và dần hình thành KTNN hiện đại dựa trên công nghệ số, phát triển và sử dụng các công nghệ số phù hợp, phục vụ các hoạt động của KTNN.

Nhận thức rõ yêu cầu, khó khăn, thách thức trong từng giai đoạn, KTNN xác định việc xây dựng hạ tầng dữ liệu và thu thập, lưu trữ, tổng hợp, quản lý dữ liệu được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Đồng thời, phải tập trung xây dựng, phát triển ngay từ thời điểm hiện tại để sẵn sàng cho sự thay đổi của KTNN trong tương lai, từng bước hướng tới phương pháp kiểm toán số.

Việc cải thiện mức độ trưởng thành trong quản trị dữ liệu của KTNN sẽ phụ thuộc vào lộ trình triển khai Khung quản trị và cả công nghệ để quản trị dữ liệu. Trong đó, Khung quản trị dữ liệu bao gồm các cấu phần: Cơ cấu tổ chức quản trị dữ liệu (Hội đồng quản trị, bộ phận quản lý tập trung, bộ phận quản lý dữ liệu tại đơn vị nghiệp vụ); chính sách và quy trình (quản trị, kiến trúc, kiểm soát và đo lường dữ liệu); quản lý chất lượng dữ liệu phù hợp với KTNN; công cụ và công nghệ quản lý dữ liệu Quản lý thay đổi và văn hóa dữ liệu.

Hiện nay, KTNN đã và đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách để yêu cầu các đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu điện tử cho KTNN. Ngoài ra, KTNN đã ban hành một số chính sách quy định về sự phối hợp với các đơn vị được kiểm toán trong việc trao đổi, cung cấp dữ liệu. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu cho KTNN cũng luôn được quan tâm; phương thức trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị đảm bảo tính kết nối ổn định, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật ứng dụng CNTT; ứng dụng chữ ký số trong việc xác thực định danh, ghi rõ nguồn số liệu khi sử dụng, không trao đổi thông tin, dữ liệu thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước.

Đặc biệt, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực CNTT được xem là giải pháp đột phá có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển CNTT của KTNN. KTNN cũng sẽ tập trung kiện toàn cán bộ chuyên trách CNTT cho toàn Ngành và từng đơn vị trực thuộc, tuyển dụng nhân lực CNTT chất lượng cao, kết hợp đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo.

Tận dụng kinh nghiệm của các cơ quan trong nước và quốc tế, tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp, KTNN chủ động hợp tác trên cả 3 lĩnh vực: Kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm và tài chính để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT, thực hiện quá trình chuyển đổi số của KTNN. Cùng với đó, tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nước ngoài trong lĩnh vực CNTT tham gia cộng tác, làm việc với KTNN./.

Cùng chuyên mục
Sẵn sàng cho một tương lai chuyển đổi số mạnh mẽ hơn!