Tạo nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Kiểm toán nhà nước

ThS. TRẦN KIM LỘC - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp | 06/01/2023 01:25

(BKTO) - Năm 2022 khép lại với những kết quả tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) kiểm toán viên (KTV). Kết quả này đến từ nhiều yếu tố, trong đó, việc tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống chương trình bồi dưỡng giữ vị trí quan trọng. Đây là nền tảng bền vững cho việc không ngừng nâng cao hiệu quả chất lượng ĐTBD nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

o.-loc_gdtr.jpg
ThS. Trần Kim Lộc. Ảnh: N. LY

Cập nhật các chương trình đào tạo theo yêu cầu thực tiễn

Song song với quá trình xây dựng và phát triển KTNN, công tác ĐTBD KTV luôn được triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của KTV nhà nước theo các ngạch: KTV, KTV chính và KTV cao cấp. Bên cạnh đó, hoạt động ĐTBD cũng góp phần hình thành đội ngũ KTV chuyên sâu theo lĩnh vực: Ngân sách Bộ, cơ quan trung ương; ngân sách địa phương; doanh nghiệp; dự án đầu tư xây dựng công trình; các tổ chức tài chính - ngân hàng; kế hoạch, tổng hợp kết quả kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán… hay chuyên sâu theo loại hình kiểm toán: Kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động.

Thành công này đến từ nhiều yếu tố, trong đó, hệ thống chương trình bồi dưỡng giữ vị trí quan trọng. Ngay từ khi mới thành lập, KTNN đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu bồi dưỡng và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ĐTBD KTV nhà nước. Hiện nay, hệ thống chương trình bồi dưỡng hiện hành của KTNN được phân thành 2 phân hệ với 31 chương trình, bao gồm: Phân hệ 1 - Đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp kiểm toán; Phân hệ 2 - Đào tạo, bồi dưỡng công chức. Trong thời gian qua, việc phân chia như vậy phù hợp với đặc thù đối tượng bồi dưỡng là KTV nhà nước, vừa hoạt động nghề nghiệp kiểm toán nhưng cũng là công chức nhà nước. Các phân hệ được tổ chức song song, bổ sung, tương hỗ nhằm hình thành năng lực chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp cho KTV.

Dự kiến, trong thời gian tới, sau khi đã nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện, hệ thống chương trình bồi dưỡng của KTNN sẽ có sự điều chỉnh thành 34 chương trình, chia theo 3 phân hệ: Phân hệ 1 - Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức (chương trình bồi dưỡng ngạch KTV, ngạch KTV chính và ngạch KTV cao cấp); Phân hệ 2 - Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ (bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có 3 cấp độ I, II, và III, kiểm soát chất lượng kiểm toán...); Phân hệ 3 - Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm (bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng, tổ trưởng tổ kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán). Ngoài ra, hằng năm, KTNN sẽ xây dựng các chương trình cập nhật kiến thức cho công chức nhà nước về các lĩnh vực có tính thời sự như: Cập nhật văn bản pháp luật, kinh tế vĩ mô, chính sách phát triển kinh tế - xã hội…

Hệ thống chương trình bồi dưỡng mới của KTNN được rà soát, hoàn thiện phù hợp về thời lượng, tên gọi theo quy định của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo KTNN, cùng sự nỗ lực, cố gắng của các tổ rà soát, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đào tạo và kiểm toán, hệ thống chương trình được chỉnh sửa, bổ sung theo cấp độ tổng thể toàn bộ hệ thống và từng chương trình, chuyên đề.

Nội dung các chương trình ĐTBD gắn kết giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng thực hành và cập nhật sự thay đổi cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù nghề nghiệp kiểm toán. Hệ thống chương trình thiết kế theo định hướng mở tạo điều kiện thuận lợi để KTNN tiếp tục bổ sung, cập nhật, phát triển phù hợp với tình hình thực tế. Quy mô, ý nghĩa và chất lượng hoạt động rà soát, hoàn thiện hệ thống chương trình bồi dưỡng sẽ tạo nền tảng bền vững cho việc không ngừng nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của KTNN.

Những việc tiếp tục thực hiện...

Thực tiễn cho thấy, nội dung chương trình bồi dưỡng dù liên tục được đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho từng đối tượng ĐTBD trên các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Hệ thống chương trình liên tục phải bổ sung, rà soát nên chỉ đáp ứng nhu cầu cho bồi dưỡng ngắn hạn, chưa hình thành được các bộ tài liệu mang tính ổn định, lâu dài. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thay đổi, các nội dung kiến thức trong tài liệu chưa thể kịp thời cập nhật, bổ sung, nhất là phương pháp kiểm toán tiên tiến của thế giới ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán.

Với quan điểm định hướng hoạt động ĐTBD vừa song hành vừa đi trước thực tiễn hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của KTNN, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo, chủ động nghiên cứu, tham mưu với lãnh đạo KTNN bổ sung các nội dung, kiến thức mang tính thời đại vào hệ thống chương trình bồi dưỡng của KTNN. Việc làm này nhằm đảm bảo hệ thống chương trình có tính thời sự, phản ánh xu hướng phát triển chuyên môn kiểm toán nội Ngành và quốc tế, hỗ trợ KTV nhà nước thực hiện nghề nghiệp kiểm toán đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Ngay sau khi hệ thống chương trình bồi dưỡng mới được ban hành, Trường sẽ triển khai đồng bộ, chất lượng hoạt động biên soạn tài liệu, giáo trình, hệ thống câu hỏi để cụ thể hóa nội dung khung thể hiện trong các chương trình bồi dưỡng. Bên cạnh đó, với việc hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác đánh giá cập nhật kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán sẽ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các KTNN chuyên ngành, khu vực, đơn vị tham mưu triển khai kỳ đánh giá năng lực năm 2023.

Quá trình biên soạn tài liệu, giáo trình cần nhiều thời gian và trí tuệ, nhưng với sự chỉ sát sao của lãnh đạo KTNN, sự nỗ lực cố gắng của các thành viên ban biên soạn, trong thời gian không xa, hệ thống tài liệu, giáo trình mới sẽ hoàn thành, tạo nên chỉnh thể thống nhất hệ thống chương trình, tài liệu phục vụ hiệu quả hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của KTNN./.

Nhiều nội dung trong chương trình ĐTBD mới của KTNN được phát triển phù hợp với sự phát triển của Ngành như: Kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán phát hiện gian lận và tham nhũng, kiểm toán sự đa dạng sinh học. Chương trình ĐTBD mới cũng loại bỏ các kiến thức không còn phù hợp, lạc hậu hay trùng lặp, đảm bảo tính khoa học, kết nối giữa các cấu phần.

Cùng chuyên mục
Tạo nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Kiểm toán nhà nước