Tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại song phương
Bước vào năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại của KTNN. Song, với tinh thần chủ động và thích ứng linh hoạt, bám sát định hướng chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm trong năm, KTNN tiếp tục duy trì và làm sâu sắc các mối quan hệ truyền thống, đồng thời tích cực mở rộng các mối quan hệ song phương mới. Qua đó, hoạt động hội nhập và hợp tác song phương tiếp tục ghi nhận các dấu ấn nổi bật.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, ngay từ tháng 4/2022, KTNN Việt Nam và KTNN Lào đã tổ chức Hội đàm trực tuyến giữa người đứng đầu 2 cơ quan; tiếp đó là chuỗi hoạt động tiếp xúc trực tiếp cấp cao cùng các hoạt động chuyên môn như: Tháng 9/2022, Đoàn chủ tịch KTNN Lào sang thăm KTNN Việt Nam; tháng 11/2022, Đoàn Phó Chủ tịch KTNN Lào thăm KTNN Việt Nam và trao đổi về nghiệp vụ kiểm toán.
Cuối tháng 11/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã dẫn đầu đoàn cấp cao KTNN Việt Nam sang thăm chính thức KTNN Lào, đồng thời tổ chức ký lại Thoả thuận hợp tác song phương và công bố gói hỗ trợ xây dựng Văn phòng điện tử (E-Office) cho KTNN Lào. Chuyến thăm là thông điệp quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ hỗ trợ và giúp đỡ tăng cường năng lực kiểm toán công của KTNN Lào, góp phần cụ thể hóa mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân 2 nước nói chung, giữa KTNN Việt Nam và KTNN Lào nói riêng.
Việc linh hoạt hoạt động hợp tác quốc tế song phương của KTNN Việt Nam tiếp tục được khẳng định bằng sự kiện Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu Đoàn đại biểu của KTNN Việt Nam tham dự Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của UNCTAD, diễn ra từ ngày 05-07/12/2022 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị này. Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các cơ quan kiểm toán tối cao và nhiều tổ chức quốc tế.
Trong đó, tại cuộc gặp Tổng Kiểm toán nhà nước Ả-rập Xê-út Hussam bin Abdulmohsen Alangari, người đứng đầu của 2 cơ quan KTNN bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa bên trong những năm gần đây. Hai bên nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tiếp tục đưa quan hệ hai cơ quan đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực. Tại cuộc gặp Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Giơ-ne-vơ Lotte Knudsen, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã cảm ơn EU đã hỗ trợ các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật rất thiết thực cho KTNN Việt Nam từ ngày đầu thành lập đến nay. Thông qua Đại sứ, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, Phái đoàn EU tại Giơ-ne-vơ sẽ xúc tiến và thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật về kiểm toán công nghệ thông tin của EU đối với Việt Nam, tiến tới ký kết hợp tác trong năm 2023 và triển khai trong các năm tới…
Đặc biệt, nhận lời mời của Chủ tịch Tòa thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ, từ ngày 09 đến 14/12, Đoàn đại biểu của KTNN Việt Nam do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu đã thăm và làm việc với Tòa thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp, thực chất đã được gây dựng và bồi đắp trong những năm qua. Trong quá trình làm việc tại đây, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có buổi tiếp xúc song phương cấp cao với người đồng cấp - Chủ tịch Tòa thẩm kế Thổ Nhĩ Kỳ Metin Yener để trao đổi về tình hình hoạt động nổi bật của hai cơ quan, nhìn nhận, đánh giá lại tiến trình hợp tác giữa hai cơ quan; thống nhất đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lên một tầm cao mới. Đồng thời, hai bên cũng thống nhất mở ra định hướng hợp tác trung hạn, dài hạn và khẳng định cần tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương trong thời gian sớm nhất.
Nhiều nhiệm vụ then chốt được xác định cho năm 2023
Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã có mối quan hệ vững chắc và sâu rộng với nhiều nước thuộc nhiều khu vực như: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, châu Đại Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Hiện tại, KTNN đã ký gần 30 thoả thuận hợp tác song phương với các cơ quan tối cao, các đối tác phát triển và hội nghề nghiệp.
Theo nhận định, năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều biến động và diễn biến khó lường. Tuy nhiên, bám sát đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, lĩnh vực hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác song phương nói riêng sẽ tiếp tục được KTNN đẩy mạnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của Ngành, cũng như công tác đối ngoại chung của đất nước.
Trong đó, KTNN xác định sẽ khai thác hiệu quả các mối quan hệ hợp tác sẵn có, phát triển các cơ chế và đối tác mới trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc hợp tác đôi bên cùng có lợi. Các nhiệm vụ then chốt được xác định cho năm 2023, như: Bám sát chủ trương, nghị quyết, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, KTNN tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập sâu với các đối tác truyền thống; khai thác, mở rộng hợp tác với các đối tác có thế mạnh trong các lĩnh vực kiểm toán mới; triệt để khai thác thế mạnh của KTNN các nước, các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, xúc tiến các thoả thuận hợp tác mới nhằm nâng cao năng lực cho KTNN phù hợp với nhu cầu của Ngành trong tình hình mới.
Mặt khác, KTNN sẽ khai thác quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực do các đối tác phát triển tài trợ, giúp đỡ, từng bước trở thành đối tác tin cậy của các đối tác phát triển trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các chủ đề về kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao trong đánh giá chính sách phục hồi sau đại dịch Covid-19; ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với xu thế chuyển đổi số; phòng, chống tham nhũng; kiểm toán điều tra, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững… vẫn là những nội dung tiếp tục được Ngành ưu tiên hợp tác và chia sẻ trong năm 2023./.
Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã có mối quan hệ vững chắc và sâu rộng với nhiều nước thuộc nhiều khu vực như: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, châu Đại Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Hiện tại, KTNN đã ký gần 30 thoả thuận hợp tác song phương với các cơ quan tối cao, các đối tác phát triển và hội nghề nghiệp.