BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan tích cực chuẩn bị triển khai Luật BHXH 2014.
Luật BHXH 2014 là một bước phát triển mới về an sinh xã hội (ASXH) nói chung, hệ thống pháp luật về BHXH nói riêng. Đây là đạo luật quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng, các quy định của Hiến pháp về quyền được đảm bảo an sinh của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ASXH.
Theo ông Điều Bá Được - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), Luật BHXH 2014 có rất nhiều điểm ưu việt. Theo đó, quyền lợi của người lao động (NLĐ) được đảm bảo công bằng và tốt hơn. Cụ thể, Luật bổ sung quy định NLĐ được quyền hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau trong trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày; được bảo lưu thời gian đóng BHXH, người bị tái phát thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thân nhân NLĐ được chủ động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động và được quỹ BHXH thanh toán phí giám định y khoa trong trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH.
Luật BHXH 2014 cũng hoàn thiện nhiều chính sách có lợi cho NLĐ, nhất là việc tăng trợ cấp chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất... Cụ thể như, trợ cấp ốm đau 01 ngày bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (thay cho mức hiện nay là 26 ngày). Với NLĐ mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, sẽ được nâng mức trợ cấp từ 45% lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ngoài ra, còn tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau 01 ngày từ 25% lên 30% mức lương cơ sở.
Một điểm mới đáng chú ý của Luật BHXH 2014 là đã tính đến quan hệ đóng - hưởng nhằm cải thiện một bước tình hình tài chính quỹ hưu trí, tử tuất, trong bối cảnh Quỹ đang bị bội chi. Việc sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo hướng: Tăng dần mỗi năm từ tháng 1/2016 đến khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên (hiện nay là 50 và 45 tuổi); đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi… đã tạo được công bằng giữa trách nhiệm đóng và quyền lợi thụ hưởng. Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi đã phần nào hạn chế được tình trạng nghỉ hưu trước tuổi, đảm bảo an sinh tuổi già cho NLĐ.
Với mục tiêu tiến tới BHXH cho mọi NLĐ, Luật BHXH 2014 đã mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH. Trong đó, bổ sung một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc như: NLĐ làm việc theo mùa vụ, hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ một đến dưới ba tháng, NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã… góp phần đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ BHXH, đồng thời tránh được tình trạng người sử dụng lao động “lách luật” để trốn đóng BHXH bằng cách ký các chuỗi HĐLĐ dưới 3 tháng. Luật cũng mở rộng chính sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện như bỏ quy định giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện, cho nên mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc có nguyện vọng đều được tham gia BHXH tự nguyện; bỏ quy định mức sàn thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện để phù hợp khả năng tham gia của người dân và Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện...
Đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH
Cũng nhằm hướng đến đảm bảo quyền lợi của người tham gia, Luật BHXH 2014 đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đổi mới phương thức và tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Theo đó, nguyên tắc BHXH được Luật BHXH 2014 quy định rõ, việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH. Luật quy định việc hiện đại hóa trong quản lý BHXH, khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để quản lý, thực hiện BHXH; đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong cả nước. Theo đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, chuyên nghiệp hóa nghiệp vụ, giảm chi phí quản lý, giảm thiểu các thủ tục hành chính (TTHC) cho doanh nghiệp, NLĐ.
Luật cũng quy định xây dựng và hoàn thiện các quy chế về đầu tư quỹ BHXH bảo đảm tính hiệu quả, linh hoạt trong hoạt động đầu tư; tăng cường việc giao quyền và trách nhiệm cho đơn vị, tổ chức thực hiện đầu tư; các khoản đầu tư phải bảo đảm được nguyên tắc về bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH, đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhưng vẫn bảo đảm tính an toàn.
Để thực hiện hiệu quả hơn chính sách BHXH, đặc biệt là việc ngăn chặn, giảm tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, Luật bổ sung thêm thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan tổ chức thực hiện như: Cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BHTN và xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Luật
Tại hội nghị cung cấp thông tin về triển khai Luật BHXH 2014, diễn ra ngày 28/12, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Luật vào cuộc sống, với nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã trình Chính phủ Nghị định về chức năng thanh tra chuyên ngành của BHXH. Các văn bản khác đang được khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành. Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, trước mắt BHXH Việt Nam đã rà soát để xây dựng, ban hành các quy trình nghiệp vụ phù hợp với quy định mới của Luật, những nội dung đã được Luật quy định rõ ràng, cụ thể thì hướng dẫn ngay, không chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung Luật và các quy định về hồ sơ, quy trình nghiệp vụ của Ngành phục vụ cho việc thực hiện Luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH đến mọi người sử dụng lao động và NLĐ. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, năm 2015, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho khoảng 500 cán bộ trong toàn ngành.
Xác định việc phát triển đối tượng và thực hiện tốt công tác phục vụ là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, BHXH Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh cải cách TTHC, đầu tư phát triển CNTT trong hoạt động nghiệp vụ để phục vụ NLĐ. Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh cho biết, mặc dù Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016, nhưng BHXH Việt Nam đã trình xin Chính phủ cho thực hiện các quy trình thủ tục từ 01/10/2015; đến nay, toàn bộ quy trình thủ tục đã được hoàn thiện, tạo thuận lợi tối đa cho NLĐ… Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của ngành theo quy định của Luật BHXH 2014. Trong đó, tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ; góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo đảm ASXH.
Bài và ảnh: ĐĂNG KHOA