Sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì tăng trưởng

(BKTO) - Tổng cục Thống kê đánh giá, sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, lúa đông xuân được mùa, được giá; cây ăn quả tăng cả về diện tích và sản lượng do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Diện tích rừng trồng mới và thu hoạch gỗ tăng cao do hoạt động xuất khẩu gỗ khởi sắc, giá gỗ nguyên liệu tăng.

Về nông nghiệp, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2024 đạt 2.954,0 nghìn ha, tăng 1,2 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2023. Các địa phương phía Bắc đạt 1.059,8 nghìn ha, giảm 8,2 nghìn ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng giảm 5,7 nghìn ha; vùng Trung du và miền núi phía Bắc giảm 1,7 ha; vùng Bắc Trung Bộ giảm 0,8 nghìn ha.

qn.jpg
Người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Báo Quảng Nam

Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 68,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 64,8 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 71,1 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha (Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 72,3 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha).

Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân tăng cao so với vụ đông xuân năm 2023 là Trà Vinh đạt 67,0 tạ/ha, tăng 6,0 tạ/ha; Khánh Hòa đạt 69,2 tạ/ha, tăng 5,4 tạ/ha; Quảng Bình đạt 64,7 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha; Sóc Trăng đạt 70,1 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha.

Sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay ước đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, miền Bắc đạt 6,86 triệu tấn, tăng 2,8 nghìn tấn; miền Nam đạt 13,46 triệu tấn, tăng 129,7 nghìn tấn (riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,75 triệu tấn, tăng 77,6 nghìn tấn).

Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân tăng so với vụ đông xuân năm trước là: Sóc Trăng tăng 87,6 nghìn tấn; Trà Vinh tăng 34,9 nghìn tấn; Long An tăng 30,5 nghìn tấn; Bạc Liêu tăng 13,7 nghìn tấn; Kiên Giang tăng 13,4 nghìn tấn.

Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng 6/2024, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.825,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.419,3 nghìn ha, bằng 97,8%.

Nguyên nhân diện tích gieo trồng lúa hè thu giảm so cùng kỳ do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, mưa đến muộn, thiếu nước tưới nên tiến độ xuống giống muộn.

Các ngành chức năng đã khuyến cáo người dân cần xuống giống đúng thời vụ, nhằm né mặn, sâu bệnh, các đợt rầy nâu di trú, tăng cường sử dụng giống lúa không lẫn tạp, có nguồn gốc rõ ràng.

Hiện lúa hè thu các địa phương phía Nam đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trỗ chín, các trà lúa phát triển tương đối tốt. Đến nay, có 196,0 nghìn ha lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, bằng 84,0% cùng kỳ năm trước.

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Tuy nhiên, diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại giảm do thời tiết nắng nóng kéo dài. Riêng diện tích khoai lang tăng nhẹ do gần đây có nhiều giống khoai lang chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên người dân tăng diện tích trồng mới.

hm(1).jpg
Diện tích ngô tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: ST

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3.784,9 nghìn ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm cây ăn quả đạt 1.271,1 nghìn ha, tăng 2,6% do được chuyển đổi từ những diện tích hoa màu. Một số loại cây có diện tích tăng như: sầu riêng đạt 153,9 nghìn ha, tăng 17,4%; chanh leo đạt 12,6 nghìn ha, tăng 9,3%; ổi đạt 27,2 nghìn ha, tăng 5,6%...

Nhóm cây công nghiệp đạt 2.183,0 nghìn ha, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục xu hướng giảm do những năm gần đây giá bán sản phẩm thấp, khó tiêu thụ, lợi nhuận không đạt kỳ vọng nên người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Trong quý II/2024, sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xoài đạt 440,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; cam đạt 206,1 nghìn tấn, tăng 1,8%; sầu riêng đạt 343,3 nghìn tấn, tăng 17,6%; nhãn đạt 111,9 nghìn tấn, tăng 9,4%.

Riêng sản lượng vải năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước do mưa nhiều tại thời điểm cây ra hoa nên ảnh hưởng đến việc kết trái, sản lượng chỉ đạt 134,3 nghìn tấn, giảm 17,7% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Chè búp đạt 347,8 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; cao su đạt 282,4 nghìn tấn, tăng 2,0%; hồ tiêu đạt 99,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; điều đạt 101,8 nghìn tấn, giảm 7,1%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước: Xoài đạt 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; cam đạt 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sầu riêng đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; mít đạt 405,8 nghìn tấn, tăng 4,2%; nhãn đạt 199,6 nghìn tấn, tăng 2,9%; ổi đạt 201,4 nghìn tấn, tăng 5,9%; chanh leo đạt 79,4 nghìn tấn, tăng 3,5%.

Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Chè búp đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 2,4%; cao su đạt 410,7 nghìn tấn, tăng 2,0%; hồ tiêu đạt 238,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; điều đạt 330,3 nghìn tấn, giảm 5,2%.

Trong quý II/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 90,8 nghìn ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 21 triệu cây, tăng 2,1%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 6.261,1 nghìn m3, tăng 7,3%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 128,5 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 44,6 triệu cây, tăng 2,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.928,4 nghìn m3, tăng 6,3% do hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ có nhiều khởi sắc từ đầu năm, giá gỗ nguyên liệu tăng nên người dân đẩy mạnh khai thác gỗ đến tuổi thu hoạch.

Một số địa phương có tốc độ khai thác gỗ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ngãi tăng 15,3%; Thừa Thiên - Huế tăng 14,5%; Quảng Bình tăng 14,0%; Yên Bái tăng 12,0%; Quảng Ninh tăng 8,3%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong quý II/2024 là 851,8 ha, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, diện tích rừng bị chặt, phá 263,6 ha, giảm 39,6%; diện tích rừng bị cháy là 588,2 ha, tăng 23,4%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 1.165,3 ha rừng bị thiệt hại, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 481,4 ha, giảm 22,9%; diện tích rừng bị cháy là 683,9 ha, tăng 25,9%.

Cùng chuyên mục
Sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì tăng trưởng