
Đón nhận cơ hội mới
Theo GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, tạo đà bứt phá cho những năm tiếp theo, Việt Nam hiện đang tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo phương châm đổi mới, sáng tạo, lấy khoa học, công nghệ, giáo dục làm quốc sách, chuyển đổi sang kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giảm thiểu khi phát thải nhà kính, thực hiện Net Zero vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này, Đảng, Nhà nước đã tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế; đồng thời, cơ cấu bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính để giảm chi phí cơ hội, thời gian cho doanh nghiệp và người dân. Trước cơ hội này, ngành sản xuất của Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi sang tự động hóa, số hóa và thông minh, dưới sự thúc đẩy của các ngành công nghệ cao như: Điện tử, ô tô, năng lượng mới, bán dẫn…
Việt Nam chủ trương nâng cao năng lực cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển công nghiệp thông minh thông qua cải cách thể chế, giảm thiểu thủ tục hành chính, ưu tiên thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, công nghệ cao và lan tỏa.
GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 14,3% và nhập khẩu tăng 16,7%. Riêng xuất khẩu, đã có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 72,6 tỷ USD, tăng 26,6% so với năm 2023, chiếm 17,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9% và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 52,3 tỷ USD, tăng 21%.
Theo ông Ngô Lăng Vân - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sunrise Big Data, đây là những minh chứng rõ nét cho việc Việt Nam đang dần chuyển đổi từ ngành dệt may, đóng giày truyền thống sang ngành điện tử cao cấp và sản xuất thông minh.
Trong bối cảnh chính trị, kinh tế, thương mại và thị trường thế giới biến động khó đoán định, Việt Nam đang dần trở thành quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết và mục tiêu tham vọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, chính sách theo thông lệ quốc tế và cơ cấu lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả…
Thách thức song hành
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sunrise Big Data cho biết, các chuỗi sản xuất đang dần từng bước hình thành tại Việt Nam với sự góp mặt của các “ông lớn” như: Samsung, Foxconn, BYD… (chuỗi công nghiệp điện tử tiêu dùng và ô tô ở phía Bắc) và Media, Adidas… (chuỗi công nghiệp thiết bị gia dụng, dệt may… ở phía Nam). Tuy ngành sản xuất của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng việc ứng dụng chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh tại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức.
Theo ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương), thách thức đầu tiên đối với các doanh nghiệp là năng lực nội tại còn hạn chế, bởi hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, nguồn lực về tài chính và con người cũng là một khó khăn đáng kể bởi để đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới cần có nguồn tài chính rất dồi dào và phải có con người để học hỏi, lĩnh hội các công nghệ tiên tiến. Tiếp theo là khó khăn trong áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hay quy trình quản lý chất lượng.
Nhiều chuyên gia nhận định, những thách thức kể trên đã ảnh hưởng đến việc nội địa hóa chuỗi cung ứng. Năng lực hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước còn yếu, buộc các doanh nghiệp trong chuỗi phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ nước ngoài. Điều này không chỉ làm tăng chi phí của doanh nghiệp mà còn làm giảm tính linh hoạt và ổn định của chuỗi cung ứng. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong các dịch vụ chuỗi cung ứng nội địa hóa, nghiên cứu và phát triển vật liệu mới cũng như ứng dụng công nghệ cao cấp.
Ông Ngô Lăng Vân khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các doanh nghiệp chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… để nâng cấp chuỗi sản xuất thông minh, đặc biệt là tập trung vào lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo AI.
Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Việt Cường cho biết, hiện nay, Chính phủ đang rất nỗ lực cố gắng để hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các hình thức: Cho vay vốn, ưu đãi về thuế thu nhập của doanh nghiệp; đầu tư máy móc, thiết bị đặt tại Cục Công nghiệp để các doanh nghiệp có thể đến để sản xuất thử nghiệm các linh kiện, sản phẩm tinh khó, sản phẩm mới mà doanh nghiệp mong muốn phát triển.
Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp cũng thường xuyên tổ chức hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng các mô hình chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng lực và tối ưu hóa quá trình sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng, chuỗi cạnh tranh trên toàn cầu...
Trong bối cảnh mới, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hướng dẫn của các chuyên gia, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, hình thành sản xuất thông minh thành công, cần có thêm sự quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cũng như sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên trong mỗi doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam./.