Sắp xếp các đơn vị hành chính: Tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách

(BKTO) - Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 đã mang lại những kết quả bước đầu quan trọng, giúp tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách, tạo động lực để thực hiện cải cách tiền lương. Trên cơ sở những kết quả đạt được, các địa phương, tổ chức cần tiếp tục đề ra cách làm khoa học, linh hoạt để mang lại hiệu quả thực chất, cao nhất trong thực hiện chủ trương này.



                
   

Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Ảnh sưu tầm

   

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Cần Thơ là một trong những địa phương đã thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và đạt những kết quả nổi bật thời gian qua. Thực hiện Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc TP. Cần Thơ, sau khi sắp xếp đến nay, Thành phố có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 quận và 4 huyện; 83 đơn vị hành chính cấp xã (36 xã, 42 phường và 5 thị trấn).

Theo lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều, trên địa bàn quận đã thực hiện sáp nhập các phường An Hội, phường An Lạc vào phường Tân An. Sau khi sắp xếp, quận Ninh Kiều có 11 phường.

Sau khi thực hiện sắp xếp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiện toàn và bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định, không phát sinh khiếu nại, tố cáo do việc sắp xếp đơn vị hành chính.

"Không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách, việc sắp xếp còn tạo thêm động lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác và phấn đấu để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao" – ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đã bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tinh gọn bộ máy hành chính và đạt được nhiều kết quả tích cực. Quá trình triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính thể hiện tinh thần quyết tâm, trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân.
         
Trong giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua sắp xếp đã giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện), tinh giản biên chế (tính đến hết năm 2021, ở cấp xã giảm 3.595 người, ở cấp huyện giảm 141 người), giảm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019-2021 đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng mục đích, yêu cầu của Đảng đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, những kết quả, thể hiện rõ qua từng con số có thể nói mang tính lịch sử, bởi theo Bộ trưởng, “Khi đang trong xu thế tăng mà phải sắp xếp lại để giảm thì đây thực sự là vấn đề lớn, đòi hỏi phải làm tốt công tác tư tưởng”.

Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Theo Bộ Nội vụ, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn…

Đây cũng chính là những vấn đề được UBTVQH nhận diện và đặt ra trong Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được ban hành mới đây. Theo đó, UBTVQH đề nghị tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục các bất cập trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.
                
   

Đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả là yêu cầu được đặt ra với các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp. Ảnh sưu tầm

   

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long, Nghị quyết của UBTVQH đã chỉ rõ những yêu cầu đối với địa phương khi thực hiện sắp xếp. Theo đó, để chủ trương này đi vào cuộc sống một cách đúng đắn, các địa phương phải thực hiện nghiêm việc rà soát, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị có số lượng cán bộ đang làm việc cao hơn số lượng biên chế được giao để bố trí, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, yêu cầu công việc.

Đề cập đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc liệu có ảnh hưởng đến việc sắp xếp đơn vị, ông Long cho biết, Nghị quyết cũng lưu ý các địa phương rà soát, điều chỉnh phương án xử lý, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo đảm về số lượng, chất lượng để thuận lợi hơn trong việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân trên tinh thần “đảm bảo cao nhất quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của nhân dân”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn, điều quan trọng sau sắp xếp là các địa phương, đơn vị cần nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, sắp xếp cán bộ dôi dư và phải đảm bảo các hoạt động không bị gián đoạn, không gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. “Muốn làm được điều đó, các địa phương phải ưu tiên nguồn lực, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp theo đúng chủ trương của Trung ương” - ông Tuấn cho biết và lưu ý, các địa phương cần bám sát Nghị quyết của UBTVQH, không được cắt giảm ngay các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đặc thù áp dụng cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính sau sắp xếp, nhất là ở các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Sắp xếp các đơn vị hành chính: Tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách