Sẽ ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

(BKTO) - Chiều 22/03, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Qua thảo luận, UBTVQH thống nhất, dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.



Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam cho thấy nhiều ý nghĩa, giúp nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, tạo điều kiện phù hợp cho phạm nhân về tâm lý lao động, thái độ chấp hành cải tạo và tiếp thu kiến thức trong dạy nghề, truyền nghề, giúp phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.

Thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện. Vì vậy, việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp.

Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết.

Nghiên cứu bổ sung phạm vi về ngành nghề thực hiện thí điểm

Cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra, đa số các thành viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hồ sơ dự thảo Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất về nội dung và kỹ thuật soạn thảo văn bản theo quy định của pháp luật. Trong đó, lưu ý cách diễn đạt trong quy định về chính sách miễn thuế thu nhập đối với DN hợp tác với trại giam để bảo đảm rõ ràng. Theo đó, chính sách miễn Thuế Thu nhập DN là miễn thuế theo thu nhập chứ không phải theo pháp nhân. Không phải DN được miễn thuế này mà khoản thu nhập của DN từ hoạt động này được hưởng chính sách miễn thuế.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, UBTVQH tán thành với phạm vi, đối tượng điều chỉnh trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra. Theo đó, thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam với phạm vi thí điểm là không quá 1/3 tổng số trại giam của Bộ Công an quản lý; thời gian thí điểm là 5 năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với tính chất là một Nghị quyết thí điểm của Quốc hội, cho nên Nghị quyết cần ghi khái quát, ngắn gọn, có tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, cũng lưu ý cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp nghiên cứu bổ sung phạm vi về ngành nghề thực hiện thí điểm; phạm vi thí điểm ngành nghề giao cho Chính phủ lựa chọn các ngành nghề phù hợp.

Về nguyên tắc thực hiện thí điểm, UBTVQH tán thành với Tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về 4 nguyên tắc, trong đó thống nhất quy định về cơ chế ưu đãi đối với DN hợp tác với trại giam trong thời gian thực hiện thí điểm được áp dụng chính sách miễn Thuế Thu nhập DN cho phần thu nhập từ hoạt động hợp tác với trại giam.

UBTVQH đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH, phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội./.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Sẽ ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam