Có nên quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh?

(BKTO) - Sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh sửa đổi. Việc nên giữ hay bỏ quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo Luật là nội dung được các Ủy viên UBTVQH quan tâm thảo luận.



Quy định về Quỹ vẫn... trên giấy

Báo cáo một số vấn đề dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, liên quan đến Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ này tại dự thảo Luật. Vì, Quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật NSNN; Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với NSNN hoặc không còn phù hợp. Luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ…                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, dự thảo Luật và các nội dung giải trình về thành lập Quỹ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2 chưa giải quyết được các bất cập trên. Do vậy đề nghị bỏ các Điều 42, 43, 44 và bổ sung chính sách khuyến khích hoạt động thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh như quy định tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 với các lý do trong Tờ trình Chính phủ. Do vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trình UBTVQH cho ý kiến theo 2 phương án là bỏ hoặc giữ quy định về Quỹ này.

Từ góc độ cơ quan soạn thảo, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc quy định thành lập và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh với sự hỗ trợ nguồn vốn ban đầu của Nhà nước là cần thiết vì điện ảnh là một ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư.

Đây sẽ là công cụ hiệu quả nhằm hỗ trợ điện ảnh dân tộc trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xác định nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động là điểm mấu chốt cho việc thành lập và duy trì hoạt động của Quỹ. Chính phủ đã nghiên cứu các yêu cầu đề ra về việc không trùng lặp nguồn thu ngân sách với nguồn thu của Quỹ, đồng thời không được tăng gánh nặng tài chính cho DN.

Đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi trước khi quy định trong luật

Tuy nhiên, lập luận trên của cơ quan soạn thảo chưa nhận được sự đồng tình của các thành viên UBTVQH. Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra. Ông Hoàng Thanh Tùng phân tích, nếu quy định về Quỹ thì phải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật NSNN và các mục chi, các nhiệm vụ chi của Quỹ này không được trùng lặp với nhiệm vụ chi từ NSNN. Tuy nhiên, quy định tại 3 Điều 42, 43, 44 của dự thảo Luật chưa đảm bảo tính thống nhất với khoản 11 Điều 8 của Luật NSNN; một số nhiệm vụ chi quy định rất chung chung...

Mặt khác, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã kiến nghị với Quốc hội bãi bỏ đối với một số quỹ không cần thiết, hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các luật. Như vậy, theo kiến nghị đó thì đây chính là một trong các quỹ mà nhiều năm qua không triển khai được trong thực tế, dù đã được quy định trong luật.

“Chúng tôi rất băn khoăn. Nếu chúng ta vẫn cứ quy định như Điều 42, 43, 44 thì sẽ lại vướng, lại khó khăn và chưa chắc đã thành lập được Quỹ, tính khả thi không có. Đề nghị hết sức cân nhắc về quy định này. Nếu quy định thì phải cụ thể hơn, rõ hơn về nguồn thu và đảm bảo tính khả thi cũng như quy định các nhiệm vụ chi của Quỹ không được trùng lặp với các nhiệm vụ chi mà NSNN đã bảo đảm” - ông Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.

Đồng tình với phân tích trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị nên xem xét phương án bỏ quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, trường hợp nếu vẫn duy trì quy định này thì đề nghị làm rõ nguồn thu của Quỹ là nguồn nào và khoản chi của Quỹ là khoản gì, cơ chế về quản trị của Quỹ này thế nào, ai quản lý. “Bao trùm lại là NSSN sẽ không cấp vốn cho Quỹ theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách” - ông Hà nhấn mạnh.                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn: Quỹ được quy định từ năm 2006 đến nay mà chưa thành lập được, không có hoạt động thì chắc chắn khi ra Quốc hội khó được ủng hộ. Do đó, nếu chính sách đưa ra mà không hiệu quả thì không nên đưa vào Luật.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, khi xem phim nước ngoài thì một số bộ phim trước khi chiếu đã nói rõ là bộ phim này được tài trợ bằng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Như vậy có nghĩa là các nước có Quỹ này, nhưng quỹ đã xã hội hóa rồi thì Nhà nước có nên cấp ngân sách nữa không? Quỹ này ai đóng góp, tài trợ? Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu nên rà soát lại xem kinh nghiệm thế giới làm thế nào và ở Việt Nam vì sao có quy định rồi mà không làm được, thì Quốc hội mới có cơ sở để quyết định.

“Khi còn đang có ý kiến khác nhau thì nên tiếp tục lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách, thậm chí phải trình ra Quốc hội. Nhưng cần phải làm rõ vì sao mấy năm vừa rồi chúng ta có quy định mà làm không được, thế giới người ta làm Quỹ thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, đồng thời lưu ý, đừng có lập Quỹ cho bằng được, rót một phần ngân sách vào Quỹ rồi cứ để đấy, gửi ngân hàng lấy tiền nuôi bộ máy để quản lý quỹ này.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận trong UBTVQH, dự án Luật sẽ được tiếp thu, hoàn thiện và tiếp tục cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới, trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3./.
         
   
Điều 42. Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh
   1.Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi NSNN; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động.
   2.Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
   Điều 43. Mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
   1.Hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ. 2.Hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài.
   3.Cho vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh.
   
4.Hỗ trợ các không gian sáng tạo về điện ảnh.
   
5.Hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại. Điều 44. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh
   1. Không vì mục đích lợi nhuận; bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý.
   2. Thực hiện thu, chi, quyết toán, công khai tài chính, tài sản và công tác kế toán theo quy định của pháp luật.
   3. Chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và kiểm toán nhà nước về các hoạt động tài chính của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
   4. Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, không trùng lặp với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động sự nghiệp điện ảnh. Quỹ không hỗ trợ các dự án sản xuất phim bằng nguồn NSNN.
   5. Số dư kinh phí năm trước của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng
   
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Có nên quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh?